Thợ điện Nguyễn Mạnh Hồng: “Có công mài sắt...”

19 tuổi, anh Nguyễn Mạnh Hồng bắt đầu vào làm việc trong ngành Điện. “Thuở ấy, nào đã biết yêu nghề là gì” – anh không ngần ngại “thú nhận”. Sau hơn 20 năm lăn lộn kéo từng đường điện về khắp các thôn buôn, anh bảo: Thật sự tự hào khi nói "Tôi là thợ điện”.

Anh Nguyễn Mạnh Hồng

Anh Nguyễn Mạnh Hồng năm nay 44 tuổi, đang công tác tại Điện lực Chư Păh (thuộc Công ty Điện lực Gia Lai) với vai trò là Đội phó phụ trách Đội quản lý vận hành sửa chữa đường dây & trạm biến áp.

Năm 2014, anh được Bộ Công Thương tặng Bằng khen vì những thành tích trong quá trình công tác. Mới đây, anh lại được Giấy khen của Tổng công ty Điện lực miền Trung về việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2014.

Tại Chư Păh, tôi đã có dịp gặp Nguyễn Mạnh Hồng để lắng nghe những chia sẻ của anh về công việc và cuộc sống.

Ngã rẽ

Anh Nguyễn Mạnh Hồng quyết định lựa chọn nghề Điện để lập thân, lập nghiệp sau một biến cố lớn trong gia đình. Đó là khi người cha thân yêu qua đời, khi ấy anh mới 18 tuổi.

Gần 30 năm đã trôi qua, nhắc lại chuyện cũ, người đàn ông trung niên ngồi đối diện với tôi - một người cha của 2 đứa con - vẫn phải dùng bàn tay đầy những vết chai ram ráp che mặt để giấu sự xúc động.

Đằng sau vẻ ngoài có phần “xù xì” của người thợ điện quanh năm phơi mình trong mưa nắng là một người sống rất tình cảm, khiến tôi cũng bối rối không kém.

“Khi còn công tác, ba mẹ tôi đều là Đảng viên, đều làm Nhà nước” – anh Hồng chia sẻ. Sau khi cha qua đời, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, anh và người em trai lần lượt phải nghỉ học.

Chính nền tảng gia đình là một trong những điều kiện để anh được Ban Quản lý công trình Thủy điện Ialy khi ấy lựa chọn trong số 8 người được cử đi học lớp vận hành cấp tốc, nghề chính là vận hành máy diesel, và trở về làm việc tại đây - anh Hồng trải lòng về ngã rẽ đưa anh đến với ngành Điện như thế.

Từ đó đến nay đã 25 năm. Từ công nhân vận hành thủy điện của Ban quản lý công trình Thủy điện Ialy, anh lại được điều chuyển sang vận hành Thủy điện Ry Ninh, rồi sau đó chuyển về công tác tại Điện lực Chư Păh. Được phân công nhiệm vụ nào, anh cũng tự định hướng rõ ràng cho bản thân phải "làm nghề một cách nghiêm túc".

Để bù đắp những thiếu hụt về kiến thức chuyên môn, anh vừa đi làm, vừa đi học. Tôi hỏi, động lực nào khiến anh có ý chí vươn lên mạnh mẽ như thế? Anh Hồng tâm sự: “Cách sống của ba có ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Ông từng phải bươn trải đủ nghề để mưu sinh mà vẫn học xong đại học, thậm chí sau này ông còn được đi học tập ở nước ngoài. Vì thế, tôi cũng đặt quyết tâm, dù khó khăn đến đâu cũng không từ bỏ, chí ít là phải học đến đại học”.

Thế là, sau giờ làm việc, anh lại cắp cặp đến lớp, dần dần từ cao đẳng, lên đại học và đã hoàn thiện mục tiêu học tập của mình. Nhìn lại quá trình phấn đấu của bản thân, anh Nguyễn Mạnh Hồng chia sẻ: “Tôi tự hào vì đã trưởng thành với nghề nghiệp của mình và không phụ công dưỡng dục của cha mẹ”.

Một số khen thưởng đã đạt được của anh Nguyễn Mạnh Hồng:

+ Bằng khen của EVN về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (năm 2012)

+ Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (năm 2013)

+ Giấy khen Đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền (2010 - 2012) của Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh Gia Lai (năm 2013)

+ Giải Ba Hội thi Thợ giỏi cấp Tổng công ty Điện lực miền Trung (năm 2014)

+ Bằng khen của Bộ Công Thương (năm 2014)

+ Giấy khen của EVNCPC về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2014 (năm 2015)

Không có việc gì khó

Đội quản lý vận hành sửa chữa đường dây & trạm biến áp Điện lực Chư Păh - nơi anh là Đội phó phụ trách - hiện có 11 người, làm nhiệm vụ quản lý vận hành hơn 297 km đường dây trung thế, 356 km đường dây hạ thế, 192 trạm biến áp phụ tải với dung lượng hơn 25.600 KVA. Hầu hết các tuyến đường dây đều đi qua nhiều địa hình phức tạp như rừng núi, sông suối, nông, lâm trường...  còn khách hàng phần nhiều là đồng bào dân tộc thiểu số, do đó quản lý và vận hành lưới điện đã khó, mà kinh doanh điện thì cũng khó không kém.

Hỏi về những khó khăn trong công việc, anh Hồng chia sẻ: “Không có việc gì không thể làm được. Tôi luôn luôn nói điều đó với anh em. Khi gặp khó khăn, thay vì né tránh hoặc từ bỏ thì chúng tôi ngồi lại với nhau và tự hỏi: Chúng ta sẽ làm bằng cách nào? Làm như thế nào là tốt nhất?”

Anh Hồng cho biết, lợi thế lớn nhất là anh em trong Đội rất đoàn kết nên công việc dù khó đến đâu cũng đồng tâm hiệp lực vượt qua.

Đơn cử, vào mùa mưa bão, tuyến đường dây đi xã Hà Đông rất hay xảy ra tình trạng cây cối ngã đổ vào đường dây gây sự cố, có bận làm gẫy cả cột điện bê tông ly tâm 10,5 mét. Do vị trí cột gẫy trên núi, địa hình hiểm trở, không có đường cho xe ô tô vận chuyển đến được nên việc thay bằng cột bê tông ly tâm khác là bất khả thi.

Anh Hồng và các đồng đội đã có sáng kiến sử dụng ống sắt phi 114 mạ kẽm dày 2,5 mm, dài 12 m, sau đó cắt thành 4 đoạn, mỗi đoạn dài 3 m, gia công mặt bích để bắt bulon cho từng đoạn. Sau đó, công nhân vận chuyển đến hiện trường rồi lắp ghép lại thành cột điện, vừa đảm bảo an toàn trong việc vận chuyển, vừa đáp ứng nhu cầu xử lý khắc phục nhanh.

Khi Chi nhánh điện Chư Păh (tiền thân của Điện lực Chư Păh) mới thành lập, toàn bộ công nhân (dù ít hay nhiều tuổi) - trong đó có anh Nguyễn Mạnh Hồng - đều có thể gọi là “thợ trẻ” nếu xét về tay nghề. Đó là bởi trước khi làm việc ở đây, họ từng làm công nhân vận hành thủy điện, người lại là công nhân điện – nước, có người làm bảo vệ,…

"Chúng tôi ý thức được những hạn chế của cả tập thể. Vì vậy, hằng ngày, sau giờ làm việc, chúng tôi cùng nhau ở lại, học thêm, tự kèm cặp, rèn luyện. Trong một guồng máy sôi động như thế, chúng tôi dần dần trở thành một tập thể không chỉ vững vàng về tay nghề mà còn rất đoàn kết, gắn bó" - anh Hồng tự hào chia sẻ về "gia đình thứ hai" của mình.

“Thành thực mà nói, ban đầu tôi cũng chưa biết thế nào là yêu nghề” – anh Hồng “thú nhận”. “Sau này, lăn lộn với công việc, nhất là trong các công trình đưa điện về cho những buôn làng chưa từng có điện, tôi mới thực sự cảm nhận được giá trị của công việc mình đang làm”.

Anh Hồng bảo: “Tình cảm của bà con dành cho thợ điện thật đáng quý. Cách họ thể hiện ra chân phương, mộc mạc lắm nhưng ấm áp vô cùng”. Anh nhớ lại những đợt Đội nhận nhiệm vụ thi công cấp điện khẩn trương về tiến độ, có khi anh em phải dậy từ 2h sáng, làm mải miết tới 9, 10h đêm mới về. Bà con thấy vậy, kiếm gói mỳ tôm, pha sẵn rồi mang ra tận chân cột. Anh em kéo xuống húp xì xoạp xong lại leo lên làm tiếp. 

“Chỉ những điều giản dị như thế thôi nhưng lại có sức động viên ghê gớm, giúp mình nhận ra ý nghĩa của công việc này, từ đó càng hăng hái hơn, càng cố gắng hơn trong hành trình thắp sáng các bản làng, phục vụ bà con” – anh Hồng chia sẻ.


  • 24/09/2015 07:00
  • Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
  • 1607


Gửi nhận xét