Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê: Những ký ức không thể nào quên (kỳ 2)

14 năm lăn lộn trên công trường Thủy điện Hòa Bình, AHLĐ Thái Phụng Nê đã trải qua nhiều giai đoạn thử thách cam go. Còn nhớ khi Thủy điện Hòa Bình mới chỉ là ý tưởng manh nha, đã xảy ra nhiều cuộc tranh cãi gay gắt xung quanh địa điểm xây dựng Nhà máy cũng như các giải pháp về chống lũ công trình, địa chất thủy văn... Ông Thái Phụng Nê cùng các cộng sự đã vượt qua những rào cản như thế nào trong công việc? Còn nỗi đau trong cuộc sống riêng, thời gian nào có thể nào xóa nhòa?…

TS. Thái Phụng Nê

Hạn chế rủi ro cho dân

Công trình Thủy điện Hòa Bình với 8 tổ máy nằm sâu trong lòng núi với tổng công suất đặt: 240 MW x 8= 1920 MW, kỹ thuật phức tạp, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế Việt Nam. Để có thể đưa ra phương án hợp lý, ông Nê và các cộng sự với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã tập trung nghiên cứu về địa điểm xây dựng Nhà máy, vấn đề thủy văn, địa chất công trình liên quan đến trị thủy sông Hồng, kết cấu nền móng đập thủy điện…. 

Các cuộc tranh luận nảy lửa liên tục diễn ra giữa các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, thủy lợi, điện lực, kiến trúc... Về cơ bản, họ đều khẳng định phải trị thủy sông Hồng, nhưng lại đắn đo về chọn công trình đợt 1. Các nghiên cứu khảo sát nhiều năm cho thấy nước lũ từ sông Thao đổ vào sông Hồng chỉ chiếm 22%, trong khi đó, lũ sông Hồng do nước sông Đà đổ vào lại chiếm tới 49% và lũ sông Hồng do nước sông Lô đổ vào không dưới 29%.

Nhiều ý kiến ngả về hướng sông Lô + Gâm, cho rằng muốn trị thủy sông Hồng thì phải trị thủy sông Đà, nhưng trước mắt chưa thể làm được, vì quy mô xây dựng công trình quá lớn, kỹ thuật quá phức tạp, nhất là dưới lòng sông Đà có một lớp cát, sỏi, phù sa dày tới 60m, không đảm bảo an toàn khi xây dựng đập thủy điện.

Những năm 60, ông Nê với tư cách là Phó Phòng Thiết kế Thủy công 2, Văn phòng Ủy ban khai thác và trị thủy sông Hồng đã cùng đoàn cán bộ đến các tuyến trên sông Lô - Gâm để khảo sát và nhận thấy, nếu chọn phương án sông Lô + Gâm thì diện tích đất nông nghiệp màu mỡ bị ngập là rất lớn. 

Với quan điểm phải chọn được tuyến đập tốt, không thể làm ngập nhiều diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân, ông Nê đã bảo vệ phương án xây dựng Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Để làm được điều này, trong suốt nhiều năm, ông và các cộng sự tích cực nghiên cứu tìm hiểu kinh nghiệm về xây dựng đập thủy điện trên nền đất phù sa của một số nước.

Trước khi bắt tay vào công cuộc xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, một “cuộc chiến” khá cam go mà ông Nê cùng các cộng sự phải đối mặt chính là lựa chọn giữa 2 phương án xây thủy điện ngầm hay hở. Nếu ngầm hóa công trình Thủy điện Hòa Bình sẽ đảm bảo an toàn hơn cho Nhà máy trước những trận đánh ác liệt của Đế quốc Mỹ có thể xảy ra, đồng thời tiết kiệm hơn 4% kinh phí.

Nhưng tại thời điểm đó, cả nước chưa có công trình thủy điện ngầm nào, rất khó phản biện những ý kiến trái chiều. Năm 1978, diễn ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt. Để bảo vệ quan điểm ngầm hóa Thủy điện Hòa Bình, đã có lúc ông Thái Phụng Nê – lúc đó là Trưởng ban Quản lý Thủy điện Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ Điện và Than – ông Nguyễn Đình Tranh đã phải đối mặt với những tình huống căng thẳng, quyết liệt của những người phản đối “đòi bắn bỏ, thả trôi sông những ai muốn ngầm hóa công trình”. 

Trách nhiệm cá nhân

Theo ông Nê, cuộc ngăn sông năm 1983 có tính chất lịch sử, độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Để thực hiện ngăn sông, tập thể công trường đã phải chuẩn bị hàng năm trời, lập tiến độ hết sức chi tiết. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần đến thăm công trường đã nhận xét: “Công cuộc ngăn sông được tổ chức như một chiến dịch, chu đáo từ việc nhỏ nhất!”. Dù đã xác định đủ sức ngăn sông năm 1983, nhưng cách thời điểm ngăn sông một tháng, Viện Thiết kế Thủy công Matcơva (Liên Xô) cử một đoàn chuyên gia sang khảo sát và có ý kiến chưa thể ngăn sông lúc này, phải lui lại 1 năm. 

Thứ trưởng Nguyễn Đình Tranh lúc đó nghe tranh luận gay gắt, cũng yêu cầu xét lại thời điểm ngăn sông. Ông Nê bảo, nếu ngăn sông năm 1983 thì theo tiến độ công trình sẽ hoàn tất năm 1989. Để chậm lại 1 năm là gây tốn kém thêm nhiều tiền của. Nhưng nếu cương quyết ngăn sông, lỡ mọi việc không thuận lợi, trách nhiệm cá nhân ông trước tập thể, trước nhân dân cũng thật nặng nề.

Nhiều đêm nằm suy nghĩ, rà soát, kiểm tra, lục tung mọi ngóc ngách vấn đề, vượt lên những e ngại về trách nhiệm cá nhân, ông Nê có niềm tin và ý chí sắt đá vào quyết định của mình. Nhưng chỉ đến khi cuộc ngăn sông diễn ra thuận lợi, nắm chắc phần thắng, ông mới thực sự cảm thấy nhẹ người.

Có một kỷ niệm ở Thủy điện Hòa Bình đến tận bây giờ ông vẫn còn nhớ như in. Đó là thời điểm ngăn sông, xảy ra vụ chìm ca nô có 5 công nhân đang vượt dòng lên thượng nguồn. Sẽ là nỗi đau khôn nguôi khi công trình vùi xác 5 người công nhân trẻ. Nhưng may mắn, 4 người đủ sức chống chọi với sức chảy siết của dòng nước, chỉ duy nhất một người bặt tin. Những ngày sau đó là tìm kiếm, là khắc khoải đợi chờ, mong ngóng. Và rồi, ai cũng mừng rơi nước mắt khi người công nhân ấy thất thểu trở về công trường. Anh bị nước cuốn trôi 15 km, bất tỉnh vì đuối sức. Từ cõi chết trở về, anh em tay bắt mặt mừng. Ông Nê bảo, nếu người công nhân này không may thiệt mạng, Thủy điện Hòa Bình dù có thành công rực rỡ cũng sẽ không bao giờ trọn vẹn trong trái tim mọi người. 

Tận cùng nỗi đau!

Vẫn đam mê, lăn lộn với thủy điện, nhưng lần này ông Nê đã tìm được người phụ nữ mà ông cho là hình bóng của ông trong sự nghiệp. Vốn là người phụ nữ chịu thương chịu khó, bà đã hết lòng chăm sóc, lo toan mọi việc trong gia đình, nhờ đó, ông mới có thể toàn tâm, toàn ý dành cho thủy điện.

Bây giờ, mỗi khi nhắc đến người vợ thảo hiền đã cùng ông vượt qua bao thác ghềnh của cuộc sống, ông thường bảo, quá nửa sự nghiệp của ông là nhờ công đầu của người vợ tảo tần suốt đời vì chồng, vì con. Giọng ông nghẹn lại vì xúc động: “Tôi mê làm thủy điện quá, ít khi về thăm vợ con. Có lần, thứ 7 về Hà Nội họp, xe đi ngang qua nhà mà không dám ghé vào. Bà ấy biết, cũng trách ghê lắm, nhưng còn một đống bản vẽ đấy, chưa xem, chưa duyệt thì mai anh em người ta lấy gì mà thi công!. Công việc nó cứ cuốn mình đi như thế…”.

Những năm 80 thế kỷ trước, tên tuổi của ông Nê đã gắn liền với các công trình thủy điện. Vợ con ông được Nhà nước phân cho căn hộ ở khu tập thể Trung Tự. Căn hộ có 24 m2 thôi, chia làm 2 phòng, nhưng vẫn luôn trống vắng, vì chả có đồ đạc, của nả gì. Thế nhưng, nghe ông làm Trưởng ban Quản lý Dự án Thủy điện Hòa Bình, người ta cứ nghĩ, nhà ông phải có “của chìm của nổi”. 

Điều đau đớn nhất đã xảy đến với gia đình ông khi kẻ gian đột nhập vào nhà và gây ra cái chết cho người con trai của ông lúc đó mới 16 tuổi. Vụ án cướp của giết người từng làm chấn động thủ đô Hà Nội. Đến mức nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười lúc ấy đã giao các lực lượng chức năng quyết liệt phá án trong 9 ngày. Món đồ duy nhất có giá trị bị kẻ gian lấy đi chỉ là chiếc đầu máy khâu, sau đó đã được một người phụ nữ ở Thái Nguyên mang về trả lại gia đình khi biết rõ hoàn cảnh gia đình ông. Năm tháng qua đi, nhưng nỗi đau ngày ấy vẫn luôn nhức nhối trái tim ông mỗi khi nhớ lại! 

Theo Ông Vũ Hiền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực (cũ), ông Nê là một nhà khoa học thủy công tài năng, giàu kinh nghiệm, có nhiều sáng kiến, đóng góp ý kiến về công trình rất xác đáng, được các chuyên gia nước ngoài nể phục. Ông Nê thường tận tụy làm việc, nhiều khi trực tiếp hướng dẫn cả thi công, ví như hướng dẫn công nhân cách pha chế phụ gia để khoan xử lý móng trên nền cát sỏi, phù sa. Cách làm việc của ông Nê làm cho mọi người đều vui vẻ, tin tưởng vào tài năng và kinh nghiệm cũng như tính trung thực của ông. 

Sau khi kết thúc công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà, ông Nê có 14 năm chỉ đạo thi công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Trong mọi lĩnh vực quản lý từ đề bạt cán bộ đến chăm lo cuộc sống cho CBCNV ông đều xử lý thấu tình, đạt lý, công bằng. Đặc biệt là vấn đề tài chính, ông luôn minh bạch, rõ ràng, rành mạch, không hề có đơn từ khiếu nại, thanh tra xử lý bất cứ sự vụ gì. Ông cũng rất quan tâm đào tạo cán bộ quản lý cho các công trình tương lai của đất nước. Công trình Thủy điện Hòa Bình đã trở thành cái nôi cung cấp cán bộ chủ chốt cho các ban quản lý công trình thủy điện sau này. 

Thời kì còn làm việc tại Thủy điện Thác Bà, ông Nê và ông Hiền đã là những đồng nghiệp thân thiết, tin cậy, cùng nhau vượt qua nỗi đau, chứng kiến sự hy sinh của hơn 100 CBCN  khi máy bay Mỹ ném bom xuống công trường. Vì thế, trong cuộc đời nhiều thăng trầm, trước những biến cố lớn, ông Nê đã có lần khóc trên vai người bạn, người đồng nghiệp của mình. Đó là lúc ông mất đi đứa con trai duy nhất. Ông Hiền vẫn còn nhớ rất rõ ngày ông đến chia buồn với bạn. Ông Nê đã ôm chặt lấy ông như cố tìm một chỗ dựa, vừa khóc vừa quặn lòng thốt lên: “Anh ơi, em khổ quá! Em ở Thác Bà thì mất vợ, em đến Hòa Bình thì mất con”. Kể đến đây, giọng ông Hiền run lên, rồi nghẹn lại. Ứa nước mắt. Ông cũng khóc. Sự xúc động vì thương bạn của một người đàn ông đã ở tuổi xưa nay hiếm khiến tôi khó cầm được nước mắt. Phải chăng, tình đồng đội, đồng nghiệp và đồng chí đã từng ra sống vào chết  mới có thể thương quý nhau đến thế! Ông Hiền lặng đi một lúc rồi bất giác đưa bàn tay lên giữ lấy ngực, tránh những cơn xúc động ập đến dồn dập. Ông bảo: “Đó là một con người có nhân cách tuyệt vời”. Được biết, dù bây giờ mắt đã mờ, tay đã chậm, nhưng ông Hiền và ông Nê vẫn thường thăm hỏi, động viên nhau. 

Tiễn tôi ra cửa, ông Hiền còn nhắc đi nhắc lại: “Chỉ có một đứa con trai duy nhất thôi, ông ấy hy sinh như vậy lớn lắm cháu à. Mà cái tính ông Nê là thế, chỉ biết tập trung cho công việc. Bác chưa thấy ai tốt đến thế, tận tụy đến thế. Không có gì cho cá nhân hết, mọi điều kiện làm việc tốt nhường hết cho anh em, quan tâm chu đáo đến tất cả mọi người, nhận về mình chỉ toàn khó khăn, vất vả thôi”. 

(Còn tiếp) 


  • 15/01/2015 02:45
  • Nguồn bài và ảnh: TCĐL Chuyên đề QL&HN tháng 11/2014
  • 1890


Gửi nhận xét