Người trọn đời vì dòng điện miền Trung

Trước khi rời chức vụ để nghỉ hưu, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) Trần Đình Thanh vẫn tất bật với những công việc cuối cùng để hoàn tất công trình cấp điện cho Lý Sơn (Quảng Ngãi). Dự kiến tháng 8 này, theo cáp ngầm xuyên biển, dòng điện lưới quốc gia sẽ cấp điện ổn định cho người dân huyện đảo và công trình gần như đánh dấu sự hoàn tất quãng hành trình đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo mà EVN CPC đã theo đuổi suốt hơn mấy mươi năm qua.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung - Trần Đình Thanh.

...“Đưa điện về 249 cụm xã; cấp điện cho hơn 65.000 hộ dân nông thôn với quy mô xây dựng gồm 4.918km đường dây trung - hạ áp... trong đó, đặc biệt đã đầu tư và hoàn thành công trình cấp điện cho 852 thôn buôn dân tộc ít người thuộc 4 tỉnh Tây Nguyên. Tính đến nay, 100% số huyện, 99,5% số xã, 97,85% số hộ dân ở vùng nông thôn, miền núi miền Trung - Tây Nguyên được sử dụng điện...” - những con số thành tích trong báo cáo tổng kết công tác năm 2013 của EVN CPC nghe chừng khô cứng, thậm chí đơn điệu... 

Nhưng nếu đã từng thức thâu đêm trong vầng sáng trắng neo dưới mái nhà rông; khô cổ để ca hát, múa điệu Tung Tung, Gia Giá, chung hưởng niềm vui bất tận của người dân vùng cao khi đón dòng điện về làng... thì mới thấm thía hết ý nghĩa của những dòng chữ ngắn gọn, những con số thống kê trên. Đó là con số của niềm hạnh phúc vô bờ, của giấc mơ ngàn đời với bao người dân nông thôn, đồng bào dân tộc đã thành hiện thực. Và hơn hết, với những cán bộ, công nhân của EVN CPC thì đó là cả một con đường dài, thấm đẫm mồ hôi, thậm chí đánh đổi bằng cả sinh mạng... 

Năm 1994, anh Trần Đình Thanh đảm nhiệm chức vụ Phó giám đốc phụ trách kinh doanh, vật tư, điện nông thôn, đây cũng là năm bản lề mở ra một chặng đường phát triển nổi bật của Công ty Điện lực 3. Trong những năm gắn bó với nghề, năm 1999 là năm anh không thể nào quên.

Đó là thời điểm công ty đối mặt hàng loạt khó khăn, có cả những thử thách không có tiền lệ và phải tạo bằng được đột phá dẫn đến cánh cửa thành tựu sau này: Từ Công ty Điện lực 3 chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty, mà anh Thanh là người cầm lái, chừng 3 tháng sau, liên tiếp mấy trận bão lũ tầm cỡ lịch sử đổ dọc suốt các tỉnh duyên hải miền Trung và cả Tây Nguyên, thuộc địa bàn do Tổng công ty quản lý. Thiệt hại nặng nề, gãy đổ, hư hỏng hàng ngàn cột điện, trạm biến áp, phụ tải... Trong vòng một tháng, Tổng công ty đã dồn sức, tập trung nhân tài vật lực khắc phục sự cố. 

Giấc mơ ngàn đời

So với các đơn vị trong ngành, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVN CPC Trần Đình Thanh là trường hợp xưa nay hiếm. Rời ghế Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, anh về công tác tại Công ty Điện lực 3 (tiền thân của Tổng Công ty Điện lực miền Trung) và gắn bó với ngành Điện từ đó đến ngày rời chức vụ để nghỉ hưu. Hỏi anh sao “chung thủy” với ngành Điện nhất mực vậy? Anh bảo: Duyên nghiệp vận vào mình. “Từ hồi còn là sinh viên Đại học Bách Khoa, tôi luôn mong muốn được làm nghề điện. Rồi ra trường, thỏa nỗi ước mơ, tôi được Công ty Điện lực 3 nhận về công tác”.

Tôi nghĩ, ai lớn lên ở nông thôn cũng từng có giấc mơ đó. Với đám trẻ con lớn lên cùng củ khoai, gốc rạ ở làng, điện là hiện thân của cuộc sống văn minh phố thị, cụ thể hơn là những que kem mát lạnh, những cái bánh mì thơm giòn và sau nữa là quạt điện, tủ lạnh, truyền hình - những tiện nghi cuộc sống mà suốt một đời ông, cha không mơ thấy nổi... Những vầng sáng từ ánh đèn thành phố luôn ám ảnh trong giấc ngủ của những đứa trẻ sau lũy tre làng. Đó là giấc mơ chung, nhưng dám mang cả một đời mình để đánh đổi, theo đuổi nó, thì đó là sự khác biệt của vị Tổng giám đốc Trần Đình Thanh so với số đông những người khác.

Lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Hòa Khương (Hòa Vang, Đà Nẵng), cha mất sớm, sống trong vòng tay thương yêu của người mẹ tảo tần, anh Trần Đình Thanh đã sớm ý thức được con đường phục vụ xã hội của mình. Tuổi thơ gian khó đã rèn cho anh một nghị lực vượt khó và bản lĩnh trong cuộc sống. Từ người cán bộ kỹ thuật, lên trưởng phòng, phó giám đốc... và cuối cùng là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, ở cương vị nào, lúc thuận lợi cũng như khi khó khăn, anh đều tỏ rõ được sự mẫn tiệp của một người thạo việc và hết lòng với công việc.

Có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh của người lãnh đạo bươn bả có mặt ở khắp các công trình kéo dài cả ngàn cây số trên toàn tuyến, cùng anh chị em dựng từng cột điện, nối từng mét dây, đóng từng trạm biến áp...

Sống chết cùng nghề

Sự thành công có điểm khởi đầu từ niềm đam mê. Địa bàn hoạt động của Tổng công ty trải dài từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên, một khu vực năm nào cũng bị bão lụt, thiên tai đe dọa, thêm vào đó là hậu quả của chiến tranh để lại còn khá nặng nề, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn... trong khi đó, nhu cầu đầu tư cho phát triển và mở rộng mạng lưới điện lại rất lớn. Nhận thức được tầm quan trọng của “điện đi trước một bước” và trách nhiệm của người đứng đầu, anh đã trăn trở suy nghĩ, tìm ra những phương án hợp lý trong đầu tư phát triển.

Từ niềm đam mê đó, anh truyền lửa cho cấp dưới khai phá những lối đi mới và không ngừng sáng tạo. Nhìn bên ngoài, Tổng giám đốc Trần Đình Thanh có dáng vẻ và phong thái của một nhà mô phạm. Anh có cuộc sống giản dị, không phô trương, nghiêm khắc với chính mình, nhưng lại khoan dung với cấp dưới. Anh chắt chiu và tiết kiệm từng đồng vốn của Nhà nước, nhưng cũng rất “rộng tay” với người lao động, kịp thời khen thưởng, động viên trước mỗi chiến công, mỗi thành tích. Trong vòng 10 năm trở lại đây, khi anh nhận chức vụ Tổng giám đốc EVN CPC, hệ thống nguồn và lưới điện ở khu vực được mở rộng và nâng cấp mạnh mẽ. Tuyến đường dây 110 kV nâng lên hơn 2.300km, đường dây trung thế, hạ thế tăng 29.000km, dung lượng trạm biến áp trung thế, hạ thế là 1.852 MVA... đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống của nhân dân trong khu vực và năm 2013, đạt mức hơn 11,6 tỉ kWh điện thương phẩm. 

Lưới điện quốc gia giờ đây đã vươn tới tận các thôn xóm, buôn làng vùng sâu, vùng xa. Điện về nông thôn đã thực sự tiếp sức cho những cuộc đời lam lũ vươn lên thoát cảnh đói nghèo. Có thể thấy rõ sự vươn mình đi lên trong khó khăn bề bộn, miền Trung - Tây Nguyên đang bừng lên sức sống mới khi dòng điện quốc gia đã về muôn nẻo...


  • 22/04/2014 09:44
  • Tổng hợp theo Báo Lao động
  • 1797


Gửi nhận xét