Phạm Hồng Sơn: Buồn vui khi bám trụ nơi đại ngàn

Công tác tại Công ty Điện lực Quảng Nam hơn 20 năm, đồng nghiệp chỉ biết anh là một công nhân điện hiền lành, trung thực, xuất thân từ một gia đình trung kiên với cách mạng, cha là đại tá quân đội, mẹ là cán bộ nằm vùng, chứ ít người biết biệt danh của anh thời chống Mỹ là “chiến sỹ giao liên nhỏ tuổi dũng cảm, gan dạ”, vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất.

Trong những ngày giữa tháng 9, do ảnh hưởng của cơn bão số 8, lưới điện khu vực miền núi phía Tây huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) nhiều nơi bị sự cố; một số xuất tuyến bị ngã trụ, đứt dây gây mất điện cục bộ trên địa bàn các huyện Đại Lộc, Điện Bàn và Nam Giang.

Anh Phạm Hồng Sơn tại hiện trường khắc phục bão lũ

Tổ lưới điện Đại Lộc mà nòng cốt là nhóm công nhân phụ trách lưới điện Cà Dăng, do nhóm trưởng Phạm Hồng Sơn chỉ huy, túc trực từ lúc nửa đêm ngày 18, rạng sáng 19/9, đã lên đường khắc phục những hư hỏng do bão gây ra.

Tình thế thật khẩn trương, tuy lưới điện bị hư hại không nhiều, nhưng nhiều khu vực bị nước ngập làm tắc đường, khó thể tiếp cận các công trình điện. Với quyết tâm không để người dân bị mất điện kéo dài, nhóm trưởng Hồng Sơn tất bật phân công, phân luồng, chọn những nơi thuận lợi để khắc phục đóng điện dần tới theo luồng nước rút. Đến giữa trưa ngày 19/9, gần như toàn bộ khu vực Đại Lộc đã có điện trở lại.

Ngay buổi trưa hôm bão tan, chúng tôi có mặt tại hiện trường. Nhóm công nhân do Hồng Sơn trực tiếp chỉ huy đang bận bịu với công việc trên xuất tuyến 571-T71 để khắc phục đóng điện phục vụ người dân các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Sơn và xã Cà Dăng huyện Nam Giang.

Lưới điện khu vực này bị ảnh hưởng nặng hơn nên công việc kéo dài. Một giờ trưa, các anh tạm nghỉ, ăn trưa qua quýt với cơm hộp, nước khoáng rồi lại bắt tay vào công việc để chiều sớm cấp điện cho dân. Nhìn dáng người Sơn nhanh nhẹn, hoạt bát, nước da đen giòn pha lẫn chút "hơi hóm" của núi rừng Trường Sơn, tôi không hình dung được rằng, người chiến sỹ giao liên, kiên cường dũng cảm năm xưa của vùng đất Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam) - vùng đất thép, vùng đất anh hùng của một thời đánh Mỹ, ngày nay lại là anh công nhân điện vững vàng tay nghề đang chỉ huy vận hành, gìn giữ dòng điện cho đồng bào các dân tộc nơi miền biên viễn này.

Chiều hôm ấy, khi ánh nắng tắt dần sau những vạt núi và vạn vật cũng bị nhạt nhòa trong sương khói, tôi với Sơn cùng đồng nghiệp của anh dùng bữa cơm thân mật, đạm bạc tại một quán ăn nhỏ ven quốc lộ 14B.

Sau một ngày lao động cật lực, anh em công nhân đã mệt nhoài, nhưng ai cũng vui vẻ, hồ hởi tham gia góp chuyện. Qua câu chuyện, tôi được biết thêm về Sơn, về đức tính đáng mến của anh mà anh em trong nhóm ai cũng công nhận: Nhiệt tình, trung thực và gương mẫu.

Các đồng nghiệp yêu mến và tôn trọng nhóm trưởng Phạm Hồng Sơn, bởi “anh ấy là linh hồn của nhóm, tuy đang sống ở thành phố Đà Nẵng, nhưng lúc nào cũng với bộ dạng “nhà quê” trong suy nghĩ và hành động, rất thật thà và mẫn cán. Sẵn có tinh thần nhiệt tình, thương yêu đồng nghiệp, anh đã gánh vác nhiều việc nặng, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nhóm”.

Năm 1990, sau khi tốt nghiệp lớp công nhân điện, Sơn được tuyển dụng vào làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ, thuộc Sở Điện lực Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Năm 1995, anh chuyển về làm công nhân lưới điện Tổ quản lý đường dây và trạm trực thuộc Điện lực Đại Lộc, rồi làm Tổ trưởng Tổ quản lý đường dây và trạm khu vực huyện Hiên - một huyện miền núi giáp biên với nước bạn Lào mà trước đây nổi tiếng là miền “rừng thiêng nước độc”, ít người dám đặt chân tới (tiền thân của 2 huyện Tây Giang và Đông Giang ngày nay).

Từ năm 2006 đến nay, anh chuyển về phụ trách nhóm lưới điện khu vực Cà Dăng, Điện lực Đại Lộc. Tại đây, được giao quản lý vận hành hàng chục kilômet lưới điện của 3 xuất tuyến miền núi phía Tây huyện Đại Lộc, gồm đường dây 35 kV - E58 từ Thạnh Mỹ đi Hà Tân và các xuất tuyến 571, 572 - T71. Toàn bộ lưới điện đều đi qua vùng đồi núi, rừng cây tự nhiên và rừng trồng của dân, nên việc bảo đảm an toàn vận hành cho lưới điện khu vực này thật không đơn giản.

Trao đổi với chúng tôi, Hồng Sơn chia sẻ: “Quản lý lưới điện ở đây cứ phải băng đồi, lội suối và vượt qua các cánh rừng trồng. Riêng đường dây từ trại giam An Điềm lên xã Cà Dăng hơn 30 km đường rừng, mỗi tháng cả nhóm phải tập trung phát quang hành lang tuyến một lần, mỗi quý phải đi kiểm tra bảo dưỡng lưới điện một lần. Mỗi lần như thế phải mất 3, 4 ngày đi lại với câu liêm, dao, rựa và đồ nghề lỉnh kỉnh, phải ăn - ở - ngủ nghỉ ngay tại rừng mới làm kịp. Cây rừng mọc nhanh như thổi, chặt rừng trồng của dân để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện thì bị người dân bắt đền. Nhóm em đã bị dân bắt giữ mấy lần vì chặt cây, tỉa cành, buộc đơn vị phải đem tiền đến đền bù rồi mới cho về. Cả nhóm có 6 công nhân phải chia nhau trực nên mỗi người cả tháng mới tạt về thăm nhà một lần rồi lại lên ngay”.

Về công tác tại Điện lực Đại Lộc chưa đầy 4 năm, Phạm Hồng Sơn đã được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Môi trường lao động vất vả, thường xuyên xa nhà, song anh đảng viên trẻ Phạm Hồng Sơn vẫn không nề hà, đã cùng với đồng nghiệp suốt ngày lăn lộn ngoài hiện trường.

“Tôi cho rằng đã là công nhân thì phải lấy việc làm vui. Cái đáng quý nhất của người làm điện là giữ vững dòng điện cho dân” – Sơn tâm sự. Có lẽ vì thế mà anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, liên tục là lao động tiến tiến, được Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam khen thưởng. Kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty, Phạm Hồng Sơn là công nhân duy nhất ở Điện lực Đại Lộc được giám đốc Công ty khen thưởng vì thành tích đóng góp xây dựng Công ty.

Chia tay chúng tôi, Phạm Hồng Sơn tâm sự: “Chắc tôi phải bám trụ lâu dài nơi đại ngàn cùng với anh em trong nhóm. Tôi đã quen với công việc của mỗi chuyến đi lội rừng xử lý lưới và khắc phục sự cố, có khi từ sáng sớm tinh mơ đến tận đêm khuya mới về. Nhiều hôm băng rừng, lội suối, gặp lúc trời mưa, đất rừng trơn trợt, anh em trèo lên ngã xuống cả buổi mà vẫn chưa tới được chân trụ điện, tôi thấy thương lắm!”.

Tôi biết Sơn nói thật lòng, và biết chắc anh không sống cho chính mình. Tôi nghe đồng nghiệp anh kể, gia đình anh còn nhiều khó khăn lắm, hai đứa con còn nhỏ thì một đứa đã bị ảnh hưởng chất độc da cam, hơn hai mươi tuổi vẫn chưa mọc răng. Tôi liên tưởng đến hình ảnh một giao liên trẻ tuổi gan dạ giữa súng đạn và âm mưu của kẻ thù năm xưa với một công nhân điện ngày đêm miệt mài, bám trụ, lăn lộn bên những công trình điện ngày nay. Cả hai hòa trong một Phạm Hồng Sơn, không so đo, suy tính thiệt hơn, khiến tôi vô cùng cảm phục.


  • 27/09/2013 10:37
  • Trương An
  • 2507


Gửi nhận xét