KS Vũ Phan Huấn (bên trái)
- Quê quán: Huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk
- Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Đà Nẵng
- Các thành tích đạt được:
+ Danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp EVN năm 2010
+ Chiến sĩ thi đua cấp EVNCPC năm 2011
+ Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong các năm 2011, 2012
+ Bằng khen của UBND Thành phố Đà Nẵng và Thành Đoàn Đà Nẵng năm 2012
+ Là 1 trong 77 “Cán bộ công chức, viên chức trẻ giỏi” toàn quốc năm 2012
|
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, tháng 7/2002, Vũ Phan Huấn được nhận vào công tác tại Phân xưởng Rơle - Tự động thuộc Trung tâm Thí nghiệm điện, nay là Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Trung.
Trong quá trình công tác, được sự dìu dắt của các bậc đàn anh đi trước cộng với sự nỗ lực phấn đấu tìm tòi học hỏi của mình, anh đã từng bước khẳng định bản thân và làm tốt công việc chuyên môn được giao. Anh đã đảm nhiệm vai trò là Đội trưởng các đội công trình thí nghiệm nhà máy thủy điện và trạm biến áp 110 kV đến 500 kV. Đến năm 2010, anh được lãnh đạo Phân xưởng phân công làm Tổ trưởng tổ chuyên môn. Hiện, anh đang công tác tại Phòng kỹ thuật Công ty.
Trong hơn 11 năm công tác, anh Huấn đã có rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần làm tăng năng suất lao động và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều sáng kiến của anh được lãnh đạo Phân xưởng và Công ty đánh giá cao bởi tính ứng dụng thực tiễn và hiệu quả.
Tiêu biểu như “Phần mềm tính chọn giá trị thử nghiệm rơle Calculate V0.0”. Phần mềm này cho phép tính toán các giá trị thử nghiệm các chức năng bảo vệ so lệch, quá dòng có hướng, quá tải… các loại rơle của hầu hết các hãng chế tạo rơle lớn trên thế giới như Siemen, SEL, AreVa… một cách chính xác và nhanh chóng, giúp nhân viên thí nghiệm giảm thiểu được thời gian tra cứu và xây dựng lại các đặc tính bảo vệ của các loại rơle.
Anh cho biết, để viết được phầm mềm này, ngoài kiến thức về lập trình thì người viết cũng phải đọc và nghiên cứu nhiều tài liệu về rơle của các hãng, đồng thời kết hợp kiểm nghiệm thực tế. Từ đó mới hoàn thiện được phần mềm, đảm bảo hiệu quả sử dụng thuận tiện và chính xác, đánh giá đúng khả năng làm việc tin cậy của rơle theo tiêu chuẩn đưa ra. Phần mềm này luôn được anh nâng cấp lên các phiên bản cao hơn để phù hợp với sự phát triển của nhiều chủng loại rơle mới và nhiều hãng sản xuất rơle hiện nay.
Một sáng kiến nổi bật khác của anh là: Thiết kế và chế tạo “Bộ điện trở mẫu RE100” phục vụ công tác thí nghiệm. Sản phẩm này tạo ra giá trị điện trở có độ chính xác cao, thao tác trên bàn phím dễ dàng, giao diện dễ sử dụng, có thể dùng để thay thế các sản phẩm cùng loại do nước ngoài chế tạo nhưng giá trị thấp hơn nhiều, giúp tiết kiệm thời gian thí nghiệm tại công trường, đồng thời phục vụ tốt cho công tác đào tạo, dạy nghề.
Đây là đề tài mang tính thực tiễn và mang lại lợi ích kinh tế cao, đã được chứng nhận sáng kiến cấp EVNCPC năm 2010. Bộ điện trở mẫu RE100 đã đạt giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 11 (năm 2011) và là 1/68 đề tài, sản phẩm sáng tạo trẻ tiêu biểu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương toàn quốc tại Festival Sáng tạo trẻ lần thứ IV năm 2011.
Bên cạnh những sản phẩm sáng tạo tự nghiên cứu và làm chủ đề tài, anh cũng tham gia hỗ trợ cùng thực hiện nhiều sáng kiến, sản phẩm sáng tạo khác. Ngoài ra, trong các hoạt động phong trào của Chi đoàn Công ty và Đoàn cấp trên, anh luôn tham gia tích cực, được Chi đoàn phân công phụ trách mô hình sáng tạo trẻ tại Công ty.
Những danh hiệu, bằng khen mà anh đạt được là những phần thưởng, nguồn động viên khích lệ anh tiếp tục phát huy sức trẻ, sự đam mê sáng tạo, tham gia xây dựng phong trào đoàn ngày càng vững mạnh, góp phần tạo nên vườn hoa “sáng tạo trẻ” của Đoàn thanh niên Tổng công ty điện lực miền Trung.