Người luôn chạy trước thời gian

Giản dị, gần gũi là ấn tượng sâu sắc đầu tiên về ông Lưu Thế Biểu - một trong những kỹ sư đầu tiên của EVN tham gia Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á hiện giờ.

Ông Lưu Thế Biểu

Sinh năm 1954

Quê quán: Cát Thành, Trực Ninh, Nam Định

Chức vụ hiện nay: Phó trưởng Ban quản lý xây dựng - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Ấn tượng hơn, dù là người có nhiều đóng góp cho Nhà máy Thủy điện Sơn La (NMTĐSL), nhưng ông hết sức khiêm tốn. Chỉ khi trò chuyện về NMTĐSL, ông mới tâm sự một cách hào hứng về 14 năm gắn bó với biết bao vất vả, buồn vui đối với công trình thế kỷ của đất nước.

Là công trình lớn đầu tiên do Việt Nam tự thực hiện từ khảo sát, thiết kế đến thi công, NMTĐSL đã đi vào lịch sử vì phải giải trình, bảo vệ hai phương án xây dựng - TĐSL cao (mực nước dâng bình thường 265 m) và TĐSL thấp (mực nước dâng bình thường 215 m) qua 2 kỳ Quốc hội (khóa X và XI). Mặc dù không là người trực tiếp đứng ra bảo vệ, nhưng ông Biểu là một trong số người chắp bút chính ở hậu trường để trả lời các đại biểu.

Đầu năm 2004, Quốc hội phê chuẩn xây dựng TĐSL thấp, công suất lắp máy 2.400 MW. Khi đó, ông Biểu vừa vui mừng vừa có chút luyến tiếc. Vui vì công trình đã được chuyển sang giai đoạn đầu tư, xây dựng, còn tiếc vì Quốc hội không chọn phương án TĐSL cao. Bởi theo ông, hồ TĐSL cao có dung tích chứa nước toàn bộ là 24 tỷ m3, trong khi hồ TĐSL thấp chỉ đạt 10,5 tỷ m3. Nếu chọn phương án Sơn La cao thì không phải xây thêm NMTĐ Lai Châu nữa. Sông Đà chỉ cần hai bậc thang Thủy điện Hòa Bình và Sơn La mà vẫn đạt tổng công suất của cả 3 nhà máy cộng lại.

Đầu năm 2004, ông là một trong những người đầu tiên của EVN vác ba lô lên Sơn La làm công tác quản lý, chuẩn bị khởi công công trình với chức vụ Phó Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La. “Thời điểm 2004 - 2005 được xem là khó khăn nhất của công trình”- ông nói. Nhờ trí tuệ, tinh thần vượt khó cùng nỗ lực cao, kinh nghiệm xông pha “trận mạc” của tập thể kỹ sư, công nhân, các nhà thầu; sự tham gia tích cực của Bộ Giao thông vận tải trong việc làm cầu, đường tránh ngập và hệ thống giao thông phục vụ công trình cũng như sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp trên, thời kỳ gian khổ ấy cũng nhanh chóng qua đi.

Tháng 12/2005, công trình chính thức khởi công và tiến hành ngăn sông Đà đợt 1. Với trách nhiệm là Phó ban quản lý dự án, ông phải tập trung điều hành phối hợp ăn khớp tất cả lực lượng thi công như tái định cư, đền bù giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông tránh ngập, nâng cốt đường khi hồ thủy điện được tích nước… Thời điểm đó, hàng vạn công nhân thi công nhiều công trình trên khắp núi rừng Tây Bắc, những vùng liên quan tới lòng hồ chứ không chỉ riêng Mường La. Ông Biểu và các đồng nghiệp nằm trong vòng xoáy của công việc với cường độ rất lớn, nỗ lực cao nhất để khởi động tổ máy số 1. Đến tháng 12/2010, tổ máy số 1 phát điện, sớm 2 năm so với kế hoạch, mỗi năm làm lợi cho đất nước khoảng 500 triệu USD, đồng thời góp phần khắc phục tình trạng thiếu công suất của hệ thống điện.

Bên cạnh công việc quản lý, ông còn kiêm chức vụ Chủ tịch Công đoàn Ban QLDA Nhà máy Thủy điện Sơn La; Ủy viên BCH Công đoàn Điện lực Việt Nam; Bí thư Đảng ủy Ban QLDA Nhà máy Thủy điện Sơn La. Khi hỏi, bí quyết nào để có thể làm tròn nhiều trọng trách đến như vậy, ông cho rằng phải biết cân đối, chia sẻ, sắp xếp từng công việc và quan trọng nhất là nhiệt huyết, tinh thần phấn đấu với quyết tâm cao, bao quát công việc.

Nhờ có những con người như ông, tháng 12/2012, NMTĐSL chính thức khánh thành, vượt tiến độ 3 năm và đi vào hoạt động an toàn, hiệu quả, đưa dòng điện vào phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


  • 21/12/2012 10:42
  • Theo Bản tin Công đoàn Điện lực Việt Nam
  • 2771


Gửi nhận xét