Ký ức về ông - người cán bộ anh hùng của ngành Điện

Giám đốc Sở phân phối điện Quảng Nam - Đà Nẵng, Anh hùng lao động thời kỳ chống Mỹ - Đỗ Chanh đã rời xa nhân thế hơn một thập kỷ. Dù vậy, những ký ức về ông vẫn còn sống mãi trong chúng tôi – thế hệ kế cận, với sự kính trọng và tình cảm sâu sắc dành cho vị giám đốc anh hùng.

Ông Đỗ Chanh

Năm 1997, trước khi về làm giám đốc tại Sở phân phối điện Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng), ông Đỗ Chanh là giám đốc Nhà máy điện Hàm Rồng - Thanh Hóa và là Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Mọi người dân Đà Nẵng đều biết ông, không chỉ vì ông đứng đầu một đơn vị quan trọng, mà còn vì một diện mạo “khác thường”. Ông gầy gò và nhỏ bé, cân nặng chỉ khoảng 30kg. Với hàm răng giả và cái dạ dày bị cắt đến hai phần ba thì ông không thể nào mập lên được, nhất là trong thời kỳ khó khăn, phải ăn độn quanh năm.

Ngược lại với cái thể trạng ấy, ông mạnh mẽ và quyết đoán trong công việc. Ông làm việc bất kể ngày đêm. Dường như công việc là sức mạnh để ông tồn tại. Và có lẽ ông khỏe bởi tinh thần và ý chí chứ không phải là nhờ vật chất.

Những năm ông làm giám đốc Nhà máy điện Hàm Rồng là thời gian máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Cầu Hàm Rồng là huyết mạch giao thông Bắc - Nam, nên Mỹ tập trung đánh suốt ngày đêm. Nhà máy điện nằm ở bờ nam, sát cầu cũng là một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Ông vừa chỉ huy sản xuất vừa chỉ huy chiến đấu. Là người gan lì có hạng, hình như bom đạn Mỹ cũng né ông. Có lần, do ảnh hưởng của bom, ông bị hất tung từ tầng hai xuống đất mà chẳng hề hấn gì, có lẽ do ông "nhẹ" quá chăng?

Tôi nhớ ông từng nhiều lần một mình “cưỡi” xe MZET vượt hàng trăm km dưới bom đạn để đi công tác Hà Nội. Nhìn ông ngồi trên xe giống như cóc ngồi trên lưng cọp.

Năm 1975, đất nước thống nhất, tôi có dịp đi qua cầu Hàm Rồng trên đường về thăm quê. Từ trên cầu cao nhìn xuống bờ nam vẫn thấy nhà máy nhả khói trong đống tro tàn đổ nát, dòng điện vẫn phát ra liên tục. Việc ông được phong tặng danh hiệu anh hùng quả là quá xứng đáng.

Hình như ông sinh ra để chịu đựng gian khổ, để hy sinh và cống hiến. Những năm ông làm giám đốc là những năm khó khăn nhất của ngành Điện nói chung và của điện lực Đà Nẵng nói riêng sau khi đất nước thống nhất. Thời bấy giờ, Đà Nẵng có 5 nhà máy diezel phát điện, bao gồm 56 máy lớn nhỏ với 17 chủng loại khác nhau của các nước trên thế giới, tư bản có, xã hội chủ nghĩa cũng có. Các máy ngày càng cũ, xuống cấp nhanh do khai thác quá mức, kèm theo phụ tùng thay thế ngày càng cạn kiệt do chính sách cấm vận của Mỹ nên không nhập bổ sung được. Dầu bôi trơn chỉ có vài loại không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của tất cả các chủng loại máy. Trong khi đó, sản xuất ngày càng phát triển, yêu cầu về điện ngày càng tăng. Việc duy trì được nguồn điện là vấn đề vô cùng nan giải.

Cũng như mọi nơi, Đà Nẵng lên lịch “hai không một có” rồi “ba không một có” để phân phối điện. Điện có thể bị cắt bất cứ lúc nào khi nguồn điện mỏng manh bị sự cố. Trong tình hình nước sôi lửa bỏng đó, ông thường xuyên bám sát sản xuất để chỉ đạo. Hầu như ngày nào ông cũng có mặt ở nhà máy. Ông lệnh cho điều độ báo cáo bất cứ lúc nào khi có sự cố, bất kể ngày hay đêm. Thương ông vất vả và muốn ông được nghỉ ngơi, tôi nói với bên điều độ đang đêm có sự cố báo trực tiếp cho tôi để ông ngủ ngon giấc. Biết được điều này, ông “quạt” tôi và điều độ một trận te tua vì tội dám "qua mặt" giám đốc.

Nhà máy điện Hàm Rồng - nơi ông Đỗ Chanh làm giám đốc thời gian máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất, nhưng ông luôn kiên trì bám máy để sản xuất dòng điện phục vụ đất nước.

Những ngày tết, ngày lễ là những ngày ông vất vả nhất, ông ở lại luôn nhà máy để động viên và chỉ đạo sản xuất. Thậm chí đang nằm bệnh viện ông cũng trốn về để chỉ đạo. Hình như công việc là nguồn cảm hứng bất tận để ông vượt qua nhược điểm về sức khỏe, ông đã vắt kiệt sức mình vì công việc. Ông là người rất quyết liệt trong chỉ đạo, đối với ông không có gì khó, không có cái gì là không làm được. Bản lĩnh anh hùng của ông đã trở thành tấm gương sáng kéo toàn thể CBCNV cùng vào cuộc. Chúng tôi đã làm việc hết mình do bị cộng hưởng và cả vì thương ông. Nhờ vậy, nguồn điện không những được giữ vững mà ngày càng tăng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

Ông là người rất công tâm, tốt bụng và thương người. Khi giải quyết cho ai, việc gì, không bao giờ ông đặt lợi ích riêng của mình vào đó. Mọi người kính trọng ông vì lẽ đó. Là một giám đốc một đơn vị ngành Điện, vậy mà ông vẫn lụi hụi nuôi mấy con heo sau bếp để cải thiện đời sống. Ông đã "chạy" đủ nơi để xin mua vật tư (thời đó có tiền cũng chưa chắc mua được) để làm khu nhà tập thể hai tầng khang trang và một văn phòng làm việc bốn tầng vào hạng “topten” của Đà Nẵng thời bấy giờ.

Mặc dù ông đã đi xa nhưng tôi không bao giờ quên ông với hình bóng nhỏ bé mà nhanh như sóc ấy. Được làm việc dưới "trướng" ông, tôi đã học ở ông rất nhiều, đó là ý chí, nghị lực, lòng quả cảm, tính nhạy bén, quyết đoán và linh hoạt, học cái đạo đức, lòng nhân ái và khí phách của một chiến sỹ cộng sản anh hùng.

Ông là người chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của mình. Ngày ông mất, đoàn ô tô hơn năm mươi chiếc cùng hàng trăm xe máy nối thành hàng dài chạy vòng qua các đường phố. Ông chào vĩnh biệt nhân dân Đà Nẵng, nhân dân ngậm ngùi thương tiếc tiễn đưa ông về nơi yên nghỉ cuối cùng. Đám tang của ông là đám tang to nhất lúc bấy giờ. Ông đã làm rạng danh truyền thống ngành Điện và luôn sống mãi trong lòng người dân thành phố Đà Nẵng cũng như trong ký ức hào hùng của ngành Điện Việt Nam.

Trích từ hồi ký của ông Nguyễn Văn Tuất - Nguyên Trưởng Ban QLCT Sở Điện lực Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng)


  • 08/02/2013 02:20
  • 3704


Gửi nhận xét