Theo chân dung “tự họa” của Phó giám đốc sản xuất Công ty Truyền tải điện 3 Nguyễn Văn Xuân thì ngoài công việc truyền tải, nghiên cứu khoa học, anh còn rất nhiều đam mê: Mê làm kinh tế, mê thể thao (bóng đá, bóng chuyền, tennis và cả chơi golf), mê chụp ảnh (anh chụp ảnh khá đẹp, nhất là những bức ảnh về truyền tải), mê mạng internet. Thậm chí anh còn tự quay phim, tự dựng hình, viết và đọc lời bình.
Anh tự nhận mình là một cán bộ kỹ thuật “khùng khùng”, thế nhưng, khi tiếp xúc với anh, tôi nhận thấy anh thực sự là một cán bộ không chỉ tâm huyết với nghề mà còn rất nặng lòng với người lao động.
Anh Nguyễn Văn Xuân (thứ 2, từ trái sang) đang chỉ đạo tại hiện trường vệ sinh hotline (vệ sinh khi đường dây vẫn mang điện)
|
Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Đà Nẵng với tấm bằng kỹ sư điện loại khá, anh “đầu quân” vào truyền tải. Kể từ đó, những đường dây, cột điện gắn chặt với anh như một duyên nợ đến tận bây giờ và có lẽ sẽ đến suốt đời.
Đam mê lớn nhất của anh là nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan đến truyền tải và anh phải tự học thêm tiếng Anh, vi tính để khai thác internet, nghiên cứu tài liệu nước ngoài nhằm phục vụ cho nghiên cứu khoa học.
Với tiêu chí “làm thế nào để đứng được trên vai người khổng lồ”, anh cho rằng, từ thực tiễn quản lý vận hành hệ thống, chịu khó nghĩ khác đi một chút so với lối mòn định hướng sẽ phát hiện được nhiều điều bất cập. Từ đó tìm hiểu trên mạng xem thế giới họ giải quyết vấn đề đó thế nào rồi áp dụng theo cách làm của mình với mục tiêu bảo đảm kỹ thuật, giá cả Việt Nam, vậy là ra sáng kiến, đề tài.
Theo anh, việc khó nhất không phải là tìm ra đề tài mà là làm sao thuyết phục được cấp trên tin vào tính khả thi để duyệt kinh phí cho đề tài, sau đó tổ chức thực hiện thế nào để không ảnh hưởng đến công việc chính. Vì vậy, anh thường là người nêu ý tưởng, lập đề cương, sưu tầm tài liệu, còn việc đứng tên, tổ chức thực hiện thì phải có một êkíp anh em kỹ thuật vừa tâm huyết vừa "khùng khùng" kiểu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như anh thì mới làm được việc.
Tất cả những sáng kiến, đề tài anh và đồng nghiệp đều bỏ tiền túi ra làm thử trước (không chỉ có tài liệu mà còn mua cả trang thiết bị, dụng cụ từ nước ngoài…). Sau khi làm thành công rồi thì mới dám đăng ký với cấp trên. Đã không ít lần thất bại, tiền mất, bị vợ tiếc tiền cằn nhằn nhưng rồi lại đâu vào đấy.
Anh thường tự an ủi kiểu “AQ” “đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách oán trời gần trời xa”, bởi vì, “dù tốn kém vất vả, nhưng sau này về hưu vẫn còn để lại cho anh em những sản phẩm để đời là vui lắm rồi". Vừa qua, đề tài “Vệ sinh cách điện hotline lưới truyền tải 220, 500 kV” được giải Nhì sáng tạo Vifotec 2011, hiện đang áp dụng ở Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3). Đề tài cấp Tổng công ty năm 2012 “Nghiên cứu quần áo cản điện trường” đã được nghiệm thu loại giỏi, sản phẩm đã sử dụng ở PTC3. Hiện còn đề tài cấp EVN năm 2012 “Vệ sinh cách điện hotline lưới phân phối 22, 35, 110 kV” đã hoàn thành báo cáo, đang chờ nghiệm thu.
Đồng thời, anh đang thực hiện đề tài cấp Tổng công ty năm 2013 “Nghiên cứu các phương pháp phòng tránh tai nạn và cứu nạn khi làm việc trên cao trong hệ thống điện”. Điều anh tâm đắc nhất là các đề tài anh nghiên cứu đều có tính “nhân văn” cao vì phục vụ trực tiếp cho người lao động và liên quan đến công tác an toàn.
Mặc dù là cán bộ kỹ thuật, nhưng từ ngày thành lập PTC 3 đến nay, nhiệm kỳ nào anh cũng được tín nhiệm bầu vào thường vụ Ban chấp hành Công đoàn Công ty, có nhiệm kỳ làm chủ tịch công đoàn. Theo anh, làm cán bộ công đoàn được nhiều hơn mất.
Thấy tôi chưa hiểu, anh giải thích: Tuy mất thời gian, nhưng đổi lại, anh nhận được sự tin yêu đặc biệt của anh em công nhân và bè bạn. Khi tôi hỏi vì sao anh quan tâm vào những đề tài “khó nhắn” này, anh cười giản dị: Hãy đặt mình vào vị trí người lao động để hiểu là họ cần gì. Chưa nói chuyện lợi ích kinh tế, đề tài của anh rất được anh em ủng hộ vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng, giảm nguy cơ ngã cao cho công nhân khi phải làm vệ sinh thủ công cheo leo trên dây sứ rất nguy hiểm.
Anh chia sẻ: Năm 2009, một đồng nghiệp của anh mới 37 tuổi đã tử nạn tại chỗ vì rơi từ trên cột cao xuống khi đang vệ sinh thủ công, đây cũng là yếu tố thôi thúc anh nghiên cứu vệ sinh hotline. Nhìn nước ngoài trang bị dụng cụ an toàn cho công nhân làm việc trên cao mới thấy đội quân truyền tải Việt Nam là những người anh hùng, vì làm việc trên độ cao 30 - 70m mà chỉ có duy nhất một dây an toàn…
Đặc biệt, việc phơi nhiễm trong điện trường cao cũng là nỗi lo của những người làm nghề truyền tải. Trong khi vấn đề trang bị quần áo cản điện trường nhập ngoại giá hơn 50 triệu đồng/bộ cho anh em công nhân là hoàn toàn bất khả thi, anh đã nghiên cứu thành công quần áo cản điện trường “made in Việt Nam” giá 4 triệu đồng/bộ với tiêu chuẩn an toàn cao hơn cả tiêu chuẩn nước ngoài. Ngoài những đề tài trên, anh và đồng nghiệp cũng đang ấp ủ một số đề tài cấp tập đoàn và cấp tổng công ty để “gối đầu”.
Trong công việc, anh là người khó tính, làm gì cũng phải đến nơi đến chốn, không qua loa đại khái, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi cần tranh luận, anh sẵn sàng phản biện gay gắt lại cấp trên ngay cả trong các cuộc họp. Thế nhưng, ngoài công việc anh chơi hết mình (thể thao, hát hò, khiêu vũ với anh em) việc gì anh cũng biết.
Anh vẫn tự hào: Mình là người hạnh phúc vì được sống với những người mình yêu thương và được làm những việc mình yêu thích, nhất là những việc mình làm có ích cho người lao động.