Phạm Văn Phương luôn tìm tòi, nghiên cứu để có sáng kiến mới
|
Thấm thoắt đã 7 năm Phạm Văn Phương rời ghế giảng đường đại học. Mùa hè năm 2006, với tấm bằng loại khá kỹ sư hệ thống điện, anh về đầu quân cho Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Trung (CPC ETC). Thực tế sống động trong công việc mới đã thay đổi phong cách "đủng đỉnh" học hành thi cử thời đại học, anh lao vào công việc với tất cả nhiệt tình của một cựu cán bộ đoàn sinh viên (anh từng là bí thư đoàn Lớp 01D1A Khoa Điện - Đại học Bách khoa Đà Nẵng).
Phân xưởng Cao thế nơi Phạm Văn Phương công tác là một tập thể đoàn kết, yêu nghề, anh bắt đầu được hướng dẫn làm quen với những thiết bị thí nghiệm hiện đại, tác phong làm việc khoa học, khả năng phân tích phán đoán sự cố của thiết bị, khả năng đọc, nắm bắt số liệu thí nghiệm, sơ đồ và đồ thị… Thời gian cuốn anh theo những công trình.
Hằng năm, tiếp xúc với hàng trăm máy biến áp, hàng trăm bộ điều áp đi kèm, các loại máy cắt, chống sét, khí cụ điện khác nhau, khả năng đúc kết và tập hợp của Phương cũng từ đó được hình thành. Từ một kỹ sư tập sự, phụ việc, được anh em đồng nghiệp yêu mến và lãnh đạo tin tưởng, Phạm Văn Phương dần trưởng thành và được tham gia các công trình lớn như: Mở rộng nâng cấp trạm biến áp 500 kV E51 Đà Nẵng (đưa vào vận hành máy biến áp AT1), thí nghiệm đưa vào vận hành TBA 500 kV Dốc Sỏi, thí nghiệm đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện A Vương – Quảng Nam, nâng công suất TBA 220 kV Krông Buk – Đăk Lăk…
Không quản ngại khó khăn và với tình yêu nghề tha thiết, anh luôn vững tin với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Chưa thỏa mãn với kiến thức được đào tạo, Phạm Văn Phương đã đăng ký theo học khóa thạc sỹ hệ thống điện tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng (2009 – 2011).
Trong phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đơn vị, anh luôn là tâm điểm tích cực, là một trong những đoàn viên thanh niên hoạt động hiệu quả và đạt được nhiều thành tích cao tại Công ty. Từ thực tế số liệu thí nghiệm được tổng hợp hằng năm và tiến trình chu kỳ thử nghiệm đối chiếu các tiêu chuẩn áp dụng, anh đã có sáng kiến với phần mềm: “Chương trình quản lý tiêu chuẩn và thông số thí nghiệm các thiết bị nhất thứ” (năm 2009). Chương trình đã mang lại nhiều lợi ích, giúp kỹ sư thí nghiệm theo dõi và tra cứu nhanh thông số, tình trạng làm việc thiết bị điện trước khi tiến hành kiểm tra định kỳ hay dự báo các sự cố xảy ra.
Qua thời gian thường xuyên thử nghiệm các bộ điều áp dưới tải máy biến áp (OLTC) nhiều chủng loại trên lưới điện miền Trung, thấy được sự khó khăn khi tiếp cận thiết bị trong thực tế để học hỏi và đào tạo, Phạm Văn Phương và kỹ sư thí nghiệm cao thế Trần Viết Bốn đã chế tạo thành công thiết bị “Mô phỏng bộ điều áp dưới tải”. Sáng kiến này đã phục vụ tốt công tác đào tạo và kiểm tra tính năng của chính máy thí nghiệm chụp sóng, được công nhận sáng kiến cấp Công ty và đạt danh hiệu “Sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2011”.
Phát huy thành quả đạt được, Phạm Văn Phương tiếp tục thành công với sáng kiến “Xây dựng chương trình quản lý cơ sở dữ liệu cho các loại chống sét van lắp đặt trên lưới điện miền Trung”. Tiếp đến là sáng kiến “Thiết kế, chế tạo bộ điều khiển và giám sát từ xa vị trí nấc phân áp của bộ điều áp dưới tải (OLTC)”, áp dụng cho công tác thí nghiệm các MBA lực cao áp tại hiện trường, được công nhận sáng kiến cấp Công ty và danh hiệu “Sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2012”. Sáng kiến “Chế tạo bộ dụng cụ thử nghiệm chức năng bảo vệ của rơ le hơi của các MBA lực” của anh được công nhận sáng kiến cấp Công ty năm 2012.
Tháng 7 vừa qua, tại Nhà hát Trưng Vương – Đà Nẵng, nơi tổ chức Lễ tuyên dương Chi đoàn tiên tiến làm theo lời Bác và Thanh niên tiêu biểu thành phố năm 2012 - 2013, sáng kiến “Hợp bộ đa năng OLTC CM&TA” (phục vụ thí nghiệm máy biến áp lực trong hệ thống điện) của Phạm Văn Phương và nhóm tác giả được trưng bày cùng nhiều giải pháp khác của tuổi trẻ sáng tạo Đà Nẵng. Một giải pháp kỹ thuật hay, tổng hợp nhiều chức năng thí nghiệm, được thiết kế đẹp mắt lại một lần nữa chứng tỏ khả năng sáng tạo không ngừng của anh và đồng nghiệp tại Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Trung.
Vẫn giản dị, chân chất, khiêm tốn như những ngày đầu "tò te tập sự" tại CPC ETC, đó là ấn tượng về Phạm Văn Phương khi gặp và trò chuyện với anh. Thành công, theo anh là kết quả của đam mê, cố gắng và cộng thêm chút may mắn. Anh cho biết: “Nếu như tôi không được tuyển dụng về đây, không sống và làm việc tại Phân xưởng Cao thế và tập thể CPC ETC, không được gặp các anh lãnh đạo Công ty, những người luôn quan tâm dìu dắt tạo điều kiện tốt nhất cho lớp trẻ chúng tôi, không được làm việc với các đồng nghiệp dày dặn kinh nghiệm tại đơn vị, có lẽ tôi khó có thể đạt được những thành tích như ngày hôm nay”.
"Đam mê, cố gắng và một chút may mắn" - một công thức thành công cũng giản dị như chính bản thân anh. Hy vọng trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo, có nhiều đóng góp thiết thực đối với đơn vị, là niềm tự hào của CPC ETC.