Kỹ sư Phạm Ngọc Quang: Sự sáng tạo chỉ đến cùng với lòng đam mê

Công tác trong ngành Điện từ cuối năm 2003, qua hơn 10 năm phụ trách thông tin – viễn thông, phục vụ quản lý vận hành hệ thống điện và quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh của Công ty Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), kỹ sư Phạm Ngọc Quang luôn tận tụy, trách nhiệm, đam mê nghiên cứu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để không chỉ hoàn thành công việc được giao mà còn có nhiều sáng kiến hiệu quả.

Xưởng chế tạo đồ điện tử tại nhà

Những năm 2011 - 2012, ngành Điện thành phố Đà Nẵng phải đối mặt với vấn nạn trộm cắp tài sản tại các trạm biến áp (TBA). Tài sản bị trộm thường là các đoạn cáp đồng của những TBA được đặt ở khu vực thưa thớt dân cư, gây thiệt hại lớn về tài chính, ảnh hưởng đến việc cấp điện liên tục và an ninh khu vực. Với nhân lực bảo vệ và thiết bị cảnh báo còn nhiều hạn chế lúc bấy giờ, việc bổ sung chức năng chống trộm tại các TBA được PC Đà Nẵng đặt ra và giao nhiệm vụ cho Phòng Công nghệ thông tin nghiên cứu.

Kỹ sư Phạm Ngọc Quang nhận danh hiệu “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo” của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Thành phố Đà Nẵng

Là chuyên viên thuộc Phòng Công nghệ thông tin (PC Đà Nẵng), kỹ sư Phạm Ngọc Quang đã hăng hái nhận nhiệm vụ được giao rồi lao vào nghiên cứu. Anh củng cố lại những kiến thức chuyên ngành điện tử, vốn được đào tạo cơ bản tại Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, cập nhật thêm những kỹ thuật, công nghệ mới nhất tra cứu từ internet. Khi đã tạm ổn với phần “lý thuyết”, Quang lại tất tả tìm kiếm linh phụ kiện, rồi lên thiết kế, chạy mạch in…

Phòng khách nhỏ nhà anh có những thời điểm không khác gì xưởng chế tạo đồ điện tử. Tại góc nhỏ đó, anh cần mẫn hàn, khò, thực hiện từng công đoạn chế tạo thiết bị. Chỉ hơn ba tháng sau, Quang khiến các đồng nghiệp không khỏi bất ngờ khi “trình làng” những bảng mạch - thành phần chính của thiết bị cảnh báo mất điện bằng SMS, được demo chạy thử một cách “ngon lành”. Thành công ban đầu như tiếp thêm năng lượng để Quang hoàn thành thiết kế phần nguồn của thiết bị không lâu sau đó. Không “xuôi chèo mát mái”, những khó khăn dần đến. Vấn đề đặt ra lúc này là vỏ hộp thiết bị được làm thế nào? chất liệu ra sao? để vừa có thể bảo vệ thiết bị bên trong, vừa thỏa mãn yêu cầu tản nhiệt và đảm bảo khả năng thu phát tín hiệu sóng di động của anten.

Cả Phòng Công nghệ thông tin “sôi sục” đưa ra ý tưởng, giúp Quang tìm kiếm vật liệu, lên thử thiết kế, mong muốn đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra; đồng thời tạo sự thuận tiện tối ưu cho quá trình lắp đặt, vận hành thiết bị về sau. Qua nhiều phen làm thử - bỏ đi - rồi làm lại, thiết bị có chức năng gửi SMS đến số điện thoại được cài đặt mỗi khi xảy ra tình trạng mất điện đã hoàn thành. Sau khi hội thảo giới thiệu về thiết bị được tổ chức, những bộ cảnh báo mất điện bằng SMS phiên bản đầu tiên đã được chế tạo và bắt đầu lắp đặt tại một số TBA của PC Đà Nẵng vào tháng 12/2012. Giải pháp chế tạo thiết bị cảnh báo mất điện bằng SMS sau đó được PC Đà Nẵng công nhận sáng kiến. Anh kỹ sư Phạm Ngọc Quang đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Phát hiện sự cố nhanh và chủ động hơn

Sau thời gian triển khai áp dụng, thiết bị được lắp trên lưới điện đã mang lại hiệu quả thực tiễn rõ rệt. Không dừng lại ở những thành công ban đầu, Quang ấp ủ một “dự án” mới đầy táo bạo - cải tiến bộ cảnh báo mất điện bằng SMS thành một thiết bị “thông minh”. Đúng như sẻ chia chân tình của anh - “Sự sáng tạo chỉ đến cùng với niềm đam mê” - thiết bị cảnh báo mất điện bằng SMS phiên bản thứ 2 ra đời, có khả năng phân biệt giữa mất điện do sự cố và mất điện theo lịch công tác. Những chức năng bổ trợ khác như thay đổi số điện thoại nhận tin cảnh báo, thay đổi mã TBA lắp đặt thiết bị được thực hiện linh hoạt, mềm dẻo, thông qua tin nhắn tương tác thay vì thực hiện thủ công, trực tiếp can thiệp vào thiết bị như trước. Thành tựu đáng phấn khởi ấy là kết quả sau 6 tháng miệt mài nghiên cứu. Người kỹ sư trẻ ấy đã ngày đêm mày mò gõ từng dòng lệnh, chạy thử từng đoạn phần mềm, lập trình cho hệ thống quản lý thiết bị,… Khi việc nâng cấp chức năng cho những thiết bị đang lắp trên lưới điện hoàn thành cũng là lúc PC Đà Nẵng và cá nhân Quang đón nhận tin vui, giải pháp "Nghiên cứu và chế tạo thiết bị cảnh báo mất điện bằng SMS” được Tổng công ty Điện lực miền Trung công nhận là sáng kiến và đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam xét công nhận ở cấp Tập đoàn. 

Đánh giá về hiệu quả của thiết bị, Phó giám đốc PC Đà Nẵng - Ngô Tấn Cư cho biết, “Từ khi thiết bị cảnh báo mất điện bằng SMS được đưa vào sử dụng, kết hợp với các biện pháp bảo vệ tài sản khác, tình trạng mất cắp cáp điện tại TBA của PC Đà Nẵng đã giảm hẳn. Quan trọng hơn, với những thông tin cảnh báo kịp thời từ thiết bị, công tác xử lý sự cố điện được thực hiện nhanh hơn, chất lượng dịch vụ khách hàng được nâng lên rõ rệt”. Với những người thợ điện, nhất là anh em công nhân tổ trực xử lý sự cố thì “từ ngày được lắp thiết bị cảnh báo mất điện, tụi mình phát hiện sự cố nhanh hơn, chủ động hơn trong việc xử lý, không phải đợi đến khi khách hàng mất điện thông báo mới nắm được thông tin”.

Khi bài viết này đến với bạn đọc, cũng là lúc kỹ sư Phạm Ngọc Quang đang cùng các đồng nghiệp Phòng Công nghệ thông tin – PC Đà Nẵng hoàn thành những công đoạn cuối quá trình nghiên cứu tích hợp chức năng cảnh báo mất điện bằng SMS vào thiết bị thu thập dữ liệu công tơ từ xa. Việc triển khai ứng dụng thành công phiên bản mới nhất của thiết bị cảnh báo mất điện bằng SMS tại tất cả các vị trí TBA sẽ giúp PC Đà Nẵng tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí chế tạo, lắp đặt và vận hành, đồng thời mở ra khả năng xây dựng một hệ thống thông tin theo thời gian thực, phục vụ công tác vận hành và xử lý sự cố lưới điện, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh với mục tiêu chăm sóc khách hàng sử dụng điện ngày một tốt hơn.


  • 15/10/2014 03:59
  • Bảo An
  • 1570


Gửi nhận xét