Anh hùng lao động Nguyễn Thị Nguyệt: Vài chia sẻ chuyện đời

Ngoài tài năng, trí tuệ của một nhà khoa học và bản lĩnh của một kỹ sư điện được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động (AHLĐ), tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Nguyệt – người đầu tiên nghiên cứu chế tạo thành công máy biến áp 500 kV ở Việt Nam, tôi nhận thấy ở bà sự giản dị, chất phác, dễ gần và cách nói chuyện, biểu đạt khá đặc biệt.

Biết ơn

AHLĐ Nguyễn Thị Nguyệt sinh năm 1950, ở Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bà từng là sinh viên khóa 14, Khoa Thiết bị điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Nhớ lại thời sinh viên của mình, bà Nguyệt bảo ngày ấy đi học vui lắm, cãi thầy suốt mà chả bao giờ sợ thầy giận. Mỗi lần thầy chữa bài tập, cô sinh viên Nguyệt lại “phản pháo”: Cách của thầy không hay và đưa ra phương pháp giải bài mới. Lâu dần thành quen, thầy giáo luôn "lưu tâm" đến ý kiến của Nguyệt cho đến khi cô không còn “cãi” được nữa mới thôi. Tấm lòng thầy luôn rộng mở, khuyến khích sinh viên phát huy hết khả năng, đó là những gì bà Nguyệt nhớ về người thầy giáo yêu quý và ngôi trường đại học của mình.

AHLĐ Nguyễn Thị Nguyệt trên công trường

Một người nữa được AHLĐ Nguyễn Thị Nguyệt nhắc đến với sự biết ơn, trân trọng, chính là người chị gái hơn bà 4 tuổi. Bà Nguyệt bảo, nhà có 5 anh chị em, các anh chị lớn có gia đình đều ở riêng. Lúc này bố mẹ bắt đầu già yếu, đau ốm suốt. Chị gái kế bà khi đó mới học hết lớp 5 đã phải nghỉ để đi làm phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học. Bà có được sự nghiệp ngày hôm nay trước hết là nhờ ở sự hy sinh, công lao khó nhọc của người chị. Đến tận bây giờ, bà Nguyệt vẫn tiếc nuối cho khả năng ngôn ngữ của chị mình, rất giỏi văn thơ, ngoại ngữ, nếu có điều kiện học sẽ thành tài và cuộc đời chị có lẽ cũng sẽ bước sang một trang khác tốt đẹp hơn chứ không vất vả đến thế.

Dồn hết tâm trí cho các công trình nghiên cứu, nhiều lúc có lỗi với chồng con, bà tự nhận mình rất đoảng việc nhà. Không biết bao lần chỉ còn cách cửa nhà 100 m, mà bà cứ quanh quẩn ở ngoài không dám vào, vì "chưa mua gạo, thức ăn chưa có gì”. Chồng bà cũng đi làm về muộn, thấy bếp núc lạnh tanh... Cáu giận. Nồi niêu xoong chảo bay loảng xoảng... Biết lỗi, bà cứ lủi thủi, rón rén ở bên ngoài, chờ cho tới khi ông hạ hỏa mới dám vào. May mà chồng bà cũng là người hiểu, cảm thông với công việc của vợ...

Điếc không sợ súng

Cả cuộc đời của kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt gắn với máy biến áp, từ 110 kV – 220 kV và đỉnh cao là máy biến áp 500 kV. Làm máy 110 kV gian truân lắm, vì lúc đó cái gì cũng chưa biết, nhìn đâu cũng thấy bỡ ngỡ, bà Nguyệt nhớ lại. Ngay cả khi có chuyên gia Mỹ sang giúp đỡ nhưng cũng chưa biết cách khai thác, tận dụng. Sau 2 năm ròng rã ăn ngủ cùng máy biến áp, đến giai đoạn chuẩn bị lắp ráp, bà Nguyệt vẫn nhớ y nguyên cái cảm giác lo sợ thất bại. Bà bảo chân tay run bắn, đứng không vững, vì chỉ một sơ sẩy có thể gây thiệt hại biết bao nhiêu tiền của, công sức.

Ngay cả khi làm máy 220 kV, bà Nguyệt cũng vẫn có chung một tâm trạng lo sợ sai sót của mình liên lụy đến nhiều người. Bà đã từng có lúc không dám bén mảng đến gần cái máy, xong rồi lại mon men đến bên cạnh chỉ để nhìn nó mà khóc. Cho đến khi đóng điện thành công, bà mới như trút được gánh nặng đè lên ngực. Bà chia sẻ, máy 110 kV và 220 kV khác nhau hoàn toàn về điện áp, kết cấu, điện trường, bà như một người bơi giữa biển khơi không biết đâu là bờ, cứ mải miết bơi mãi, càng bơi càng thấy ngợp.

6 năm sau ngày đóng điện thành công máy biến áp 220 kV, vừa kịp hoàn hồn, bà Nguyệt lại bắt tay vào nghiên cứu máy 500 kV. Bà tự nhận mình “điếc không sợ súng”, chẳng hiểu khó khăn ở phía trước là gì cả, cứ nói làm là làm. Hàng chục lần bản vẽ thiết kế của bà đều chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chuyên gia Trung Quốc, Nga nhưng bà không bỏ cuộc, đã ngồi lên lưng cọp chỉ còn một đường tiến lên. Với máy biến áp 500 kV, bà Nguyệt đã thiết kế tới hơn 750 bản vẽ từ A4 đến A0. Kết quả là công trình đã thành công và làm lợi cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Một số thành tích kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đã đạt được:

- Năm 2004, được Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO tặng giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc nhất về công trình nghiên cứu máy biến áp 220 kV.

- Tháng 8/2006, được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

- Năm 2014, được Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO tặng giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc nhất về công trình nghiên cứu máy biến áp 500 kV.

...

 


  • 15/09/2014 03:17
  • Hồng Anh
  • 2537


Gửi nhận xét