Thế nên, cô bạn tôi sau khi trải nghiệm thời gian làm việc không có giờ nghỉ của thợ điện, cười chia sẻ: “Nếu tính lương thêm giờ chắc sẽ được trả nhiều tiền lắm!!!”.
Người ngoài ít ai hiểu được mức độ nguy hiểm, tính chất đặc thù trong công việc của người “nhà đèn” nên đôi khi có cái nhìn thiếu khách quan. Bởi vậy, nhắc đến "sự giàu" của thợ điện, sẽ là thiếu sót nếu không liệt kê về "sự réo" mỗi khi có sự cố mất điện, thông cảm thì ít mà trách móc thì nhiều.
Với riêng mình, tôi lại thấy ở những người đồng nghiệp giàu lòng yêu nghề và sự cống hiến cho công việc! Đúng vậy, nếu không có lòng yêu nghề thì làm sao có thể quên cả hiểm nguy giữa dòng lũ xiết để nâng cột điện, thâu đêm giữa trời lạnh để sữa chữa, khắc phục sự cố, thí nghiệm định kỳ. Bữa cơm của những người lính áo cam ấy chẳng mấy khi đúng giờ. Quần áo lấm lem, bữa trưa của họ là những chiếc bánh mỳ, hộp cơm nguội ngắt giữa trời mưa lũ, hoặc giữa "chảo lửa" mùa hè.
"Gia tài" đáng quý nhất của người thợ điện chính là Tình người. Đâu chỉ riêng tình đồng nghiệp xem nhau như anh em ruột thịt, luôn hỗ trợ giúp đỡ, nhường nhau chiếc bánh lúc đói, manh áo lúc rét. Cánh thợ trẻ luôn sẵn sàng xung phong nhận công việc nặng nhọc, tạo điều kiện cho các bác, các chú lớn tuổi được làm những công việc nhẹ nhàng hơn.
Đó còn là chữ Tình của những con người EVN, sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ với khách hàng, người dân, quyên góp giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, hiến máu nhân đạo, hay đơn giản là những hành động không bao giờ kể: Vác bó củi cho người già qua suối, nhặt được của rơi tìm người trả lại... đúng như tấm chân tình của người "nhà đèn".