Tại buổi Lễ, Ban Tổ chức đã công bố Quyết định số 1846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10/11 hàng năm là "Ngày Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam".
Việc xác lập "Ngày Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam" nhằm khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, góp phần tạo sức lan tỏa sâu, rộng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với quyết tâm xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ kiến tạo đặc biệt quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân. Theo Thủ tướng, những nguyên tắc cơ bản, hay giá trị của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam – nền tảng, sức sống của văn hóa doanh nghiệp bao gồm: Liêm chính, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy hay trách nhiệm môi trường … “Chừng nào xã hội, khách hàng còn tin vào những giá trị và nguyên tắc này của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó còn có cơ hội phát triển lớn mạnh”, Thủ tướng nói.
Cho rằng, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh lành mạnh tiên tiến, phù hợp với các xu thế của thời đại chính là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để hòa nhập, hội nhập khu vực và thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta phải khuyến khích áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức trong làm ăn kinh tế, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững.
Thủ tướng phân tích, khi nói đến văn hóa doanh nghiệp là bao gồm các hành vi ứng xử với khách hàng, cộng đồng, cách giao tiếp với đối tác, với xã hội. Văn hóa doanh nghiệp có các giá trị cốt lõi không tách rời khỏi tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi toàn cầu hóa thế kỷ 21. Đó phải là một phần nhiệm vụ của Chính phủ kiến tạo, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đó phải là một phần không thể tách rời trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” với 5 nội dung xoay quanh các vấn đề: Nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về văn hóa doanh nghiệp; Xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; Phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Làm lành mạnh môi trường kinh doanh và nâng cao văn hóa tinh thần, tăng cường thể lực. Cuộc vận động còn nhằm tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác chính trị – tư tưởng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá và thu hút sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Cũng tại lễ phát động, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam nhằm khuyến khích việc thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”.