Triển lãm được tổ chức từ ý tưởng của hai nhà Việt Nam học nổi tiếng là nhà sử học Emmanuel Poisson và nhà dân tộc học Đinh Trọng Hiếu.
Theo đó, phiên bản hình màu do Léon Busy chụp những năm đầu thế kỷ XX đã ghi lại các hình ảnh về không gian Hà Nội và vùng lân cận vào thời điểm Hà Nội bị thực dân Pháp chiếm đóng nhưng chưa bị chế độ thực dân làm xáo trộn hoặc bị tàn phá do chiến tranh.
Bức ảnh "Phố Hàng Thiếc"
|
Các bức ảnh nằm trong bộ sưu tập gốc gồm hơn 1.500 ảnh màu được chụp cách đây đúng 100 năm theo đơn đặt hàng của ông chủ nhà băng đồng thời cũng là nhà hoạt động từ thiện người Pháp Albert Kahn với ý tưởng cao đẹp là xây dựng kho tư liệu ảnh màu cho tất cả các dân tộc trên thế giới với tên gọi Kho lưu trữ toàn cầu. Hiện kho tư liệu ảnh này đã trở thành một phần trong Bảo tàng Albert Kahn.
Trong quá trình chọn lọc các bức ảnh để trưng bày, các nhà tổ chức ưu tiên những phiên bản ghi lại đời sống vật chất và tinh thần của người Việt thời bấy giờ và sắp xếp theo hai đề tài: "Đời sống thường nhật - các ngành nghề và xã hội" và "Môi trường và đức tin". Đây là những bức ảnh màu đầu tiên về Hà Nội được chụp bằng kỹ thuật "kính ảnh màu" (Autochromes) do anh em nhà Lumière phát minh và đăng ký bản quyền năm 1903.
Bức ảnh "Quán gió và hàng quà rong"
|
Các bức ảnh giúp người xem hình dung rõ nét và chính xác màu sắc trang phục, đồ chơi trẻ em, cây cối và cảnh sắc Hà Nội vào thời điểm cách đây 100 năm, từ những dãy nhà lợp mái ngói đẹp như trong tranh "Phố Phái," những cây phượng trổ hoa mỗi khi hè về, những cánh đồng lúa vàng rộm vào vụ gặt và cả các sắc màu long lanh của đồ dùng sơn son thếp vàng…
Không chỉ thế, sự tinh tế của tác giả trong việc lựa chọn vị trí bấm máy cẩn thận, lấy khuôn hình đúng cỡ, tìm tư thế phù hợp cho nhân vật và sử dụng ánh sáng khéo léo càng làm nâng thêm giá trị cho các bức ảnh, buộc người xem phải chú ý kỹ hơn đến từng tác phẩm nghệ thuật được trình bày trong triển lãm.
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Benoît Paumier, điều phối viên quốc gia Năm Pháp - Việt Nam, đánh giá cao chất lượng nghệ thuật và giá trị khoa học của bộ sưu tập ảnh. Theo ông, những bức ảnh này là tài liệu đặc biệt quý giá giúp người xem hiểu được cuộc sống và truyền thống của Việt Nam trong thế kỷ trước. Ông cho rằng giá trị ảnh màu do Léon Busy chụp không chỉ là ghi lại những gì không còn nữa trong di sản văn hóa, mà còn chứng minh được sự nối tiếp hiển nhiên các sắc thái đời sống xã hội Việt Nam sau một thế kỷ đầy biến động.