Một góc Triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa tại Hà Nội
|
So với triển lãm tại Đà Nẵng, Hà Tĩnh, nội dung triển lãm lần này được mở rộng và chú giải đầy đủ hơn bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Triển lãm tập trung giới thiệu giai đoạn đầu từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, là thời kỳ Việt Nam khẳng định và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa một cách trọn vẹn trong hòa bình. Về mảng tư liệu của Việt Nam, triển lãm giới thiệu các thư tịch, bản đồ và tài liệu chính thức của Nhà nước như châu bản triều Nguyễn, các bộ chính sử, địa lý lịch sử, các công văn, giấy tờ hay ghi chép khách quan của các quan chức, viên chức, học giả đang thực thi công vụ tại các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, triển lãm chọn giới thiệu một số bản đồ và ba tập atlas của Trung Quốc khẳng định ranh giới cực nam của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam.
Đặc biệt, nhiều bản đồ, thư tịch cổ phương Tây đã xác định một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo này bởi các nhà hàng hải, thương nhân, chuyên gia bản đồ. GS Nguyễn Quang Ngọc (Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội) đánh giá: Không có một nước nào trong khu vực có nhiều tư liệu về chủ quyền như Việt Nam.
Những tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đã được sưu tập bởi các chuyên gia, nhà nghiên cứu lẫn những người dân bình thường. Mỗi ngày, với nỗ lực của mình, họ đã làm dày thêm tư liệu khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ngoài tư liệu bản đồ và các thư tịch cổ, triển lãm cũng giới thiệu những hình ảnh các thế hệ người Việt Nam giữ gìn, tiếp nối, bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu những hiện vật được các ngư dân mang về trong hành trình khai thác ngư trường Hoàng Sa như cát, vỏ ốc, vỏ sò...
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 15/7/2013. Dự kiến triển lãm sẽ được tổ chức tại TP.HCM cuối năm 2013.