Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quốc hoa Việt Nam”

Bộ VHTTDL đã có văn bản số 4119/ĐA-BVHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Quốc hoa Việt Nam” nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Hình ảnh hoa sen đã đi vào tiềm thức mỗi người dân Việt Nam

Văn bản nêu rõ, trong lịch sử hình thành các quốc gia, khi thành lập nước, mỗi quốc gia, dân tộc đều lựa chọn cho mình các biểu tượng quốc gia như: Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca để khẳng định chủ quyền quốc gia mà tất cả các nước khác đều phải tôn trọng.

Cũng như Quốc ca và Quốc phục, Quốc hoa mang ý nghĩa rất quan trọng, là sự tự hào của nhân dân, của dân tộc với bạn bè quốc tế. Ngay cả việc hiện nay nhiều người cho rằng hoa Sen là Quốc hoa của Việt Nam cũng chứng tỏ mong muốn của người dân về việc Việt Nam có Quốc hoa một cách chính thống. Quốc hoa Việt Nam vừa là nhu cầu hoạt động văn hóa xã hội, là nguyện vọng của nhân dân, Quốc hoa sẽ góp phần xây dựng đời sống văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) của Đảng  và Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. 

Xuất phát từ các lý do đó, các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà quản lý, quần chúng nhân dân và các tổ chức xã hội hiện nay đang rất quan tâm và sẵn sàng thực hiện việc lựa chọn và tôn vinh Quốc hoa của Việt Nam. Đây là các điều kiện cần và đủ để có thể lựa chọn đề xuất và công bố Quốc hoa Việt Nam.

Qua việc nghiên cứu về Quốc hoa của các nước trên thế giới, kết quả nghiên cứu, điều tra khảo sát tại các cuộc hội thảo, trên mạng Internet về ý kiến các nhà văn hóa, khoa học, nhà quản lý và dư luận nhân dân về Quốc hoa của Việt Nam cho thấy, Quốc hoa của Việt Nam là loài hoa cần thể hiện được các tiêu chí sau: Có nguồn gốc hoặc được trồng lâu đời ở Việt Nam. Là loài hoa tiêu biểu, dễ trồng, phát triển được ở nhiều vùng, miền đất nước; Thể hiện được bản sắc văn hóa, cốt cách và tinh thần của con người Việt Nam. Được sử dụng nhiều làm hình tượng trong văn học, nghệ thuật (trong văn thơ, truyền thuyết, lễ hội, trong các công trình điêu khắc, hội họa, kiến trúc); Đẹp về hình thức và màu sắc, có hương thơm; Có giá trị sử dụng cao, mang lại lợi ích trong đời sống, kinh tế - xã hội; Được nhiều người yêu thích, sử dụng và tôn vinh.

Trong năm 2011, Bộ VHTTDL đã tổ chức bình chọn trực tiếp Quốc hoa Việt Nam ở cả 3 miền. Qua các kết quả nghiên cứu, bình chọn trực tiếp và qua mạng, hoa Sen luôn có tỷ lệ số phiếu được bình chọn cao nhất trong tất cả các loài hoa (đào, mai, gạo, cây tre…). Ở Việt Nam, hoa Sen không chỉ là loài hoa gần gũi và thân thiết mà Sen còn là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết mang tính dân tộc. Hoa Sen có một sức sống mãnh liệt đến kỳ lạ: Mọc trong bùn, sống trong nước và vươn lên dưới ánh mặt trời để nở hoa kết trái. Sen tượng trưng cho bản tính tự thích nghi, thân thiện, phong thái tao nhã, tinh thần vươn dậy trong mọi hoàn cảnh của con người Việt Nam. Có thể nói, từ bao đời nay, hoa Sen đã trở thành một hình tượng đặc biệt trong văn hoá người Việt Nam. Từ thời xa xưa, biểu tượng hoa Sen đã có trong văn học nghệ thuật, kiến trúc, văn hoá ẩm thực, y học của người Việt Nam.

Trong các đề cử, hoa Sen với những đặc tính sinh học, nét đẹp về hình thức, màu sắc, hương thơm, tính hữu dụng trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày, biểu tượng cho đất nước và con người Việt Nam từ lâu đời được đại đa số nhân dân Việt Nam yêu thích và tôn vinh, dư luận quốc tế công nhận, xứng đáng được tôn vinh là Quốc hoa của Việt Nam.

Theo đề án, Bộ VHTTDL là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, Ngành, các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án Quốc hoa Việt Nam; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ công bố Quốc hoa và Lễ hội Quốc hoa lần thứ I tại Hà Nội, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án; xây dựng Quy chế sử dụng Quốc hoa Việt Nam sau khi Quốc hoa được công bố. Tổ chức thi sáng tác Logo biểu tượng Quốc hoa Việt Nam; tổ chức hướng dẫn các địa phương thực hiện Quy chế sử dụng Quốc hoa Việt Nam; thường xuyên kiểm tra, đánh giá các hoạt động tôn vinh, quảng bá, giới thiệu Quốc hoa ở trong nước và quốc tế.


  • 07/02/2012 02:36
  • Theo cinet.gov.vn
  • 2852


Gửi nhận xét