Bảo tàng trưng bày hơn 50 hiện vật đặc sắc, thuộc bộ sưu tập đèn cổ có niên đại cách đây khoảng 2.500 năm đến đầu thế kỷ 20, được chế tác công phu, tinh tế, đa dạng về chất liệu, kiểu dáng, kích thước và chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao.
Các loại đèn, chân đèn, đĩa đèn được trưng bày lần này được chia làm 3 nội dung chính theo niên đại. Đầu tiên là các loại đèn thuộc văn hóa thời sơ sử có niên đại từ khoảng thế kỷ 5 trước công nguyên đến thế kỷ 4 sau công nguyên. Đây được coi là các loại đèn ra đời sớm nhất Việt Nam, thuộc các nền văn hóa khác nhau với những đặc trưng riêng.
Đặc biệt, trong số này có cây đèn hình người quỳ thời Đông Sơn - một trong 11 bảo vật quốc gia của Bảo tàng được Thủ tướng Chính phủ công nhận đợt đầu tiên vào ngày 1/10/2012.
Một chiếc đèn cổ được trưng bày tại triển lãm
|
Tiếp đó là các loại đèn có niên đại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 10, được chế tác bằng chất liệu đồng và gốm, trên đó thể hiện sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa phương Bắc, chủ yếu tìm được trong các ngôi mộ gạch cổ.
Cuối cùng là các loại đèn có từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 20, cho thấy sự phát triển cao cả về kỹ thuật chế tác lẫn nghệ thuật trang trí, bằng các chất liệu khác nhau như gốm, đồng, sắt, gỗ...
Từ cuối thời Trần về sau, nhiều loại chân đèn có kích thước lớn, phong phú về kiểu dáng, hoa văn trang trí, được chế tác bằng nhiều kỹ thuật phức tạp, tỉ mỉ, khiến đèn trở thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Nhiều chân đèn được đặt làm riêng để cung tiến vào các đình, chùa, quán... có ghi, khắc văn chữ Hán Nôm cho biết rõ niên đại, nghệ nhân, địa điểm chế tác, người đặt làm và nơi sử dụng.
Trưng bày "Đèn cổ Việt Nam" diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1, Tràng Tiền, Hà Nội đến hết tháng 5/2013.