Vì sao có kinh nghiệm nhưng vẫn thất bại

Có những nhà quản lý làm việc hiệu quả và tích lũy được thành công nhất định, nhưng lại gặp thất bại khi điều hành tổ chức. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ chính những thói quen không hay của họ.

Có kinh nghiệm nhưng nhiều lãnh đạo vẫn không "thu được nhân tâm" của nhân viên (ảnh minh họa)

1. Tâm lý tự tin thái quá

Rất nhiều nhà quản lý không nhìn thấy điểm yếu này của mình, tự cho rằng mình là tâm điểm của tổ chức. Họ chỉ đạo nhưng không sâu sát, ra lệnh mà muốn được thành công ngay. Những người này tự tin đến mức luôn cho rằng thành công của tổ chức không phải là kết quả của sự cố gắng chung mà là do năng lực của bản thân. Nhân viên sẽ ngấm ngầm phản đối bằng sự thiếu cố gắng vì họ hiểu được rằng, có tích cực đến mấy thì cũng chỉ có sếp được hưởng lợi mà thôi.

2. Áp dụng mãi những kinh nghiệm xưa cũ

Thực tế cho thấy một số cách giải quyết công việc tỏ ra rất hiệu quả và mang lại thành công nhiều lần. Nhưng điều đó không đảm bảo rằng nếu cứ “bài cũ soạn lại”, nhà quản lý sẽ tiếp tục thành công. Nguyên nhân chính là vì những đối thủ của công ty có thể quen thuộc với những chiêu thức này và sẽ nghĩ ra cách đánh bại họ. Vì vậy nhà quản lý cần nắm vững những thay đổi thời cuộc, tìm tòi đổi mới không ngừng để đưa ra ý tưởng mới, cách giải quyết vấn đề mới.

3. Nghĩ mình biết tuốt

Trong một thế giới luôn biến động như hôm nay, dù kinh nghiệm làm việc có phong phú đến đâu thì không ai có thể tự tin rằng mình nắm vững mọi vấn đề. Cách suy nghĩ “biết tuốt” này thực sự nguy hiểm, nó sẽ làm cho bạn chìm đắm trong “vinh quang ảo” mà không hề biết rằng thế giới đang biến động từng ngày từng giờ, thậm chí từng giây. Nếu không nhanh chóng cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng, nhà quản lý giỏi nào cũng sẽ nhanh chóng bị tụt hậu.

4. Khăng khăng giữ ý kiến của mình

Thực tế cho thấy, khi nhà quản lý khăng khăng giữ ý kiến của mình, họ sẽ gây hại nhiều hơn mang đến lợi ích cho công ty. Ý kiến của mỗi cá nhân nếu không được dung hòa với ý kiến và lợi ích của tập thể, sẽ không bao giờ là ý kiến có giá trị vì nó không đưa ra được phương án giải quyết linh hoạt, hiệu quả phù hợp với tình hình của tổ chức.

5. Chờ “nước đến chân mới nhảy”

Một số nhà quản lý thường đánh giá thấp các thử thách mà họ phải đối mặt và thường chỉ đạo nhân viên cấp dưới một cách võ đoán và phó mặc “Cứ thực hiện đi, có khó khăn gì đâu.” Cứ thế, người quản lý đợi “nước đến chân mới nhảy”. Khi đó, dù họ có nhảy cao đến mấy cũng có lúc không trở tay kịp và khó tránh khỏi chết chìm.
 


  • 24/05/2012 06:05
  • Theo Lãnh đạo
  • 1468


Gửi nhận xét