Xây dựng môi trường làm việc cạnh tranh tại một số tập đoàn trên thế giới: Để rực sáng những “ngọn lửa”

Nếu ví tiềm năng của mỗi người giống như ngọn lửa đang âm ỉ, sự cạnh tranh lành mạnh sẽ là chất xúc tác làm cho ngọn lửa đó rực sáng. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trên thế giới đã có những cách làm hay để tạo điều kiện phát huy hết năng lực của người lao động.

Lãnh đạo bị phạt nặng hơn nhân viên

John Thornton - Giám đốc Chi nhánh Thái Lan của Công ty Dịch vụ nhân sự TribeHired cho biết: “Ở công ty chúng tôi, để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng. Họ phải theo dõi mọi hoạt động của nhân viên, kịp thời đưa ra những phản hồi, khích lệ ngay trong mỗi ngày làm việc, không chờ đến cuối năm, cuối quý mới tố chức khen thưởng cho người có thành tích cao”. Bên cạnh đó, thưởng phạt phải tạo cho nhân viên có thêm động lực phấn đấu làm việc tốt hơn. Công ty TribeHired đã xây dựng được cơ chế thưởng phạt rõ ràng, phân minh, căn cứ vào các tiêu chí cụ thể, từ đó, nhân viên sẽ cố gắng làm việc tốt hơn.

Ảnh minh họa.

“Theo kết quả khảo sát tại TribeHired, 8/10 người thích được thưởng bằng tiền mặt và được công bố rộng rãi, công khai” - Giám đốc John Thornton chia sẻ và cho biết rõ hơn về các hình thức xử phạt: Công ty chúng tôi kiên quyết xử phạt nghiêm những người “biết luật, nhưng vẫn làm sai luật”. Đặc biệt là những người có thái độ làm việc không nghiêm túc, hay mất đoàn kết nội bộ. Với mỗi sai sót, chúng tôi luôn có những mức phạt hợp lý và thống nhất, cương quyết không thay đổi mức phạt, bởi sự thay đổi này sẽ dẫn đến thiếu sự tin tưởng vào lãnh đạo. Nếu lãnh đạo mắc lỗi, sẽ bị phạt nặng hơn nhân viên. Đây là điều cần thiết, tạo văn hóa cạnh tranh lành mạnh, đồng thời giúp mọi người thấy được sự công bằng và cố gắng làm việc, tạo ra những kết quả tốt hơn”.

Công khai, minh bạch

Bà Luna Javier - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Sáng tạo của Công ty Phát triển trò chơi Altitude Games tại Manila cho rằng, công khai và minh bạch mọi hoạt động là ưu tiên hàng đầu, tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh. Javier tâm sự: “Chúng tôi khởi đầu tuần mới với một cuộc họp. Tại đó, chúng tôi thảo luận về thực trạng của mỗi dự án, cũng như tình hình tài chính của Công ty. Thay vì giữ bí mật và ra các quyết định dưới dạng hành chính đơn thuần, chúng tôi nói thẳng với mọi người rằng, mình đang làm gì và vì sao phải làm như vậy? Chúng tôi cũng thuê một chuyên gia về quản trị nhân lực, mặc dù chúng tôi chỉ là một công ty nhỏ. Mọi người có thể nói chuyện với người này nếu họ cảm thấy không thoải mái trao đổi trực tiếp với Ban lãnh đạo. Thông tin cập nhật thường xuyên của người quản lý nhân sự đã giúp chúng tôi sớm biết được những vấn đề tiềm ẩn”.

Bên cạnh đó, Altitude Games cũng tạo ra một hệ thống giao tiếp chung, công khai, vừa giúp Công ty nắm bắt được tình hình của từng bộ phận, vừa thông báo nhanh những vấn đề cần thiết. Hệ thống giao tiếp chung cũng là nơi để Altitude Games thông báo kết quả làm việc, thưởng phạt từng cá nhân hay từng nhóm. “Ví dụ, khi đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên dựa trên KPI, sau khi đánh giá xong, Altitude Games sẽ công bố kết quả cho toàn bộ phận trên hệ thống giao tiếp chung để mọi người cùng biết, tránh tình trạng nói xấu sếp thiên vị ai đó. Trong mỗi cuộc họp, chúng tôi luôn cập nhật tình hình hoạt động của Công ty, giúp mọi người biết được họ đã hoàn thành công việc đến đâu, còn thiếu những gì và cần cố gắng như thế nào trong phần còn lại… Khi cởi mở về thông tin, chúng tôi muốn tạo ra niềm tin cho nhân viên là sẽ không có sự ưu ái dành cho bất cứ cá nhân nào” – Bà Luna Javier cho biết.

Bình đẳng giữa các nhân viên

“Những cuộc đấu đá, cạnh tranh không lành mạnh thường nảy sinh vì người lao động cảm thấy bất mãn và thiếu tự tin. Nếu họ cảm thấy mình không còn giá trị hoặc sự nghiệp của họ bị kìm hãm, một số người sẽ sử dụng chiêu trò không lành mạnh để giành sự chú ý và hưởng lợi. Nhưng mọi việc sẽ khác đi, nếu người lãnh đạo biết định hướng nhân viên vào công việc, sao cho họ cảm thấy mình luôn được tin tưởng, hỗ trợ. Lúc đó, mọi người sẽ tập trung vào mục tiêu chung, thay vì tìm cách tư lợi” – Mark Zuckerberg, nhà sáng lập mạng xã hội hàng đầu thế giới Facebook chia sẻ về bí quyết ông xây dựng môi trường làm việc tại một trong những tập đoàn công nghệ phát triển nhất thế giới.

Mark Zuckerberg cũng chia sẻ câu chuyện xảy ra tại Facebook: “Khi có một dự án lớn, thay vì giao hẳn cho cá nhân làm rất tốt những công việc này, tôi thường cho cả nhóm phải chuẩn bị các giải pháp thực hiện dự án và ai muốn nhận dự án đều phải đăng ký trình bày các giải pháp thực hiện. Ai có các giải pháp xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn. Tất cả mọi vấn đề ở đây đều phụ thuộc vào niềm tin bạn dành cho mọi người và tạo ra những cơ hội công bằng cho tất cả. Nếu làm đúng cách, sự cạnh tranh có thể tạo ra một đội ngũ những người thực hiện gắn bó, đoàn kết với nhau, tất cả vì những mục tiêu của tổ chức và hướng đến một kết quả kinh doanh tốt hơn”.

Bổ nhiệm dựa trên năng lực

Theo báo cáo Tính cạnh tranh toàn cầu 2009 - 2010 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, thể chế hành chính Nhà nước của Singapore được xếp vào loại tốt nhất thế giới. Bộ máy công chức Singapore được tổ chức theo nguyên tắc kỷ luật, hiệu quả, hợp lý và năng lực. Đất nước nhỏ bé này rất thành công trong việc kiên quyết áp dụng các biện pháp xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong các khu vực hành chính công như, bổ nhiệm các vị trí cấp cao dựa trên năng lực thay vì tuổi tác; phân cấp quản lý nhân sự; xây dựng chế độ lương, thưởng cạnh tranh; cho nghỉ hưu sớm đối với công chức yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ

Bên cạnh đó, việc thăng tiến, bổ nhiệm công chức được thực hiện dựa trên hệ thống các tiêu chí được xây dựng chung cho cả nước gồm 2 thành phần: Hệ thống báo cáo kết quả làm việc và Hệ thống xếp hạng thành tích thực hiện công việc. Đặc biệt, ngoài lương cao, công chức Singapore còn được thưởng lớn dựa trên thành tích đạt được của mỗi cá nhân. Điều này càng khuyến khích công chức tích cực làm việc hiệu quả, phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp.

Cũng chính việc cải cách tiền lương và tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi trong khu vực hành chính công đã góp phần gián tiếp chống tham nhũng. Nhờ vậy, Singapore đã tạo nên một môi trường cạnh tranh “nóng”, nhưng rất lành mạnh, sòng phẳng, minh bạch và công khai.


  • 24/09/2018 02:07
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1779