Công điện khẩn của Bộ Công Thương về việc ứng phó cơn bão số 12

Ngày 31/10/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện khẩn số 9880 CĐ/BCT- PCLB gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà; các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, Hoá chất Việt Nam; Tổng Công ty Thép Việt Nam... về việc ứng phó với cơn bão số 12 (tên quốc tế là Krosa).

Tập đoàn Điện lực Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 12

Theo đó, các Sở Công Thương chỉ đạo, tổ chức kiểm tra hồ đập thủy điện trên địa bàn, yêu cầu các chủ đập vận hành đúng quy trình được phê duyệt, đảm bảo an toàn, thông tin thường xuyên tới chính quyền địa phương khi xả lũ, có phương án cảnh báo, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời người dân vùng hạ du để chủ động ứng phó với tình huống phải xả lũ; tổ chức khắc phục các khiếm khuyết do bão số 10 và  số 11 gây ra (nếu có). Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và hàng hoá thiết yếu, phục vụ người dân khu vực do bão, mưa, lũ chia cắt.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị điện lực, truyền tải, nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý (đặc biệt các nhà máy, hồ thủy điện khu vực miền Trung và Tây Nguyên) sẵn sàng ứng phó với mưa, bão; chỉ đạo các nhà máy thủy điện vận hành đảm bảo an toàn hồ đập, thường xuyên thông tin tới chính quyền địa phương khi xả lũ, có phương án cảnh báo, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời người dân vùng hạ du để chủ động ứng phó với tình huống phải xả lũ. Yêu cầu các điện lực có phương án cung cấp điện cho các khu vực trọng điểm khi bị mất điện lưới; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư để khắc phục nhanh sự cố và đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện.

Các Tập đoàn: Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam, Hoá chất Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam chỉ đạo, kiểm tra các công trình phòng, chống lụt, bão, chống sạt lở bờ mỏ, bãi thải, hệ thống bơm nước; có phương án xử lý kịp thời chống ngập, chống sạt lở bờ mỏ, khu vực khai thác; chủ động sơ tán người, thiết bị ra khỏi nơi có nguy cơ ảnh hưởng do bão, mưa, lũ.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo, kiểm tra các công trình trong vùng ảnh hưởng của bão, đặc biệt là các dàn khoan, công trình trên biển, có phương án ứng phó. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ để ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chỉ đạo các đơn vị kiểm tra và duy trì lượng xăng dầu dự trữ phục vụ phòng chống lụt bão, có biện pháp chống ngập các cửa hàng xăng dầu; chống trôi nổi các bồn chứa xăng dầu khi bị ngập nước.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, sáng sớm ngày 1/11, bão Krosa đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) đi vào khu vực phía Đông Bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 04 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.
 

CD_Bo_Cong_Thuong.pdf


  • 01/11/2013 10:21
  • Tin, ảnh: Trang Phan
  • 2741


Gửi nhận xét