Nỗi khổ thu tiền điện khi doanh nghiệp phá sản

Ngành Điện đã và đang phải đối phó với hiệu ứng “đô-mi-nô” của nền kinh tế. Bởi các doanh nghiệp ngừng sản xuất sẽ không dùng điện và quan trọng hơn là nếu không nỗ lực với các giải pháp giám sát chặt chẽ những khách hàng lớn để thu dóc nợ thì với những doanh nghiệp bị phá sản, tiền điện thu được chỉ là những con số trên giấy.

Nguy cơ thu tiền trên… giấy

Chỉ trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp (DN) đã giải thể và dừng hoạt động lên đến 17.735 DN, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2011. DN phá sản nhiều nhất thuộc lĩnh vực bán buôn bán lẻ, tiếp theo đó là xây dựng và chế biến LTTP, cơ khí chế tạo…

Trong tổng số 706 DN phá sản, giải thể, theo điều tra được biết: 69,4% DN do sản xuất kinh doanh thua lỗ; 28,4% DN do thiếu vốn để sản xuất kinh doanh; 15,1% DN không tiêu thụ được sản phẩm. Như vậy, thu tiền điện đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể chắc chắn là  khó khăn và độ rủi ro cao, tuy nhiên trong số doanh nghiệp phá sản, giải thể, nhưng sẽ thành lập mới (35%) thì cũng phải chờ vài ba năm nữa.

Công ty Điện lực Thái Nguyên (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc) trong nhiều năm cung ứng điện chủ yếu cho sản xuất công nghiệp. Năm 2011, sản lượng điện cho công nghiệp xây dựng chiếm gần 70% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn Tỉnh. Trong ngành Điện, với một đơn vị phân phối như Công ty Điện lực Thái Nguyên được xếp vào hàng “dễ thở” nhất. Bởi lẽ, để phấn đấu đạt chỉ tiêu tổn thất khoảng 5 - 6% là không quá khó khăn. Tuy nhiên, giá bán điện có thấp hơn so với các tỉnh có thành phần phụ tải là dịch vụ hoặc điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng cao, nhưng ổn định ở mức trung bình. Thu tiền điện cũng không vất vả như thu các hộ sử dụng điện sinh hoạt. Bình thường, các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các khách hàng có sản lượng tiêu thụ lớn rất nghiêm túc trong việc thanh toán tiền điện, cứ “đến hẹn lại lên,” chỉ cần “nhấp chuột” trên hệ thống máy tính là đã hoàn thành thao tác thanh toán.

Nhưng khi nền kinh tế suy giảm, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng  phá sản, giải thể, thì những đơn vị kinh doanh điện như Công ty Điện lực Thái Nguyên lại rơi vào tình trạng khó khăn. Doanh nghiệp không sản xuất, nên ít dùng đến điện, sản lượng điện thương phẩm giảm, làm doanh thu giảm đã đành, nhưng doanh nghiệp phá sản, giải thể thì biết là khoản tiền nằm ở… đâu đấy, song, có thu được hay không là cả một vấn đề đau đầu lãnh đạo Công ty. Theo Phó gíám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên thì đúng theo Luật Phá sản, ưu tiên đầu tiên là cho người lao động, rồi đến ngân hàng còn nợ tiền điện thì ... chưa được xếp vào ưu tiên nào.

Để thoát khỏi hiệu ứng “domino”

Trước tình trạng này, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã yêu cầu các công ty điện lực bám sát những khách hàng lớn để thu tiền điện kịp thời, không để tình trạng nợ đọng. Năm 2011, thu tiền điện của Công ty Điện lực Thái Nguyên đạt 99,96% và 6 tháng đầu năm nay cũng đạt tỷ lệ tương tự.

Cũng như Thái Nguyên, Công ty Điện lực Hải Phòng phải nỗ lực để thu tiền điện khối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thép. Sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp càng lớn, nỗi lo càng nhiều. Vì sản lượng tiêu thụ điện của một nhà máy thép ở Hải Phòng bằng sản lượng tiêu thụ của cả tỉnh Thái Bình. Chẳng may, doanh nghiệp thép phá sản, thì coi như thành tích của Công ty Điện lực Hải phòng phấn đấu cả năm cũng “phá sản” theo.

Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng Trần Ngọc Quỳnh cho biết, tiếp nối những khó khăn của năm 2011, 6 tháng đầu năm 2012 lượng sản phẩm  tồn kho trong các doanh nghiệp càng lớn hơn, có một số doanh nghiệp tiêu thụ điện với sản lượng lớn phải dừng hoạt động như, thép Vạn Lợi, Việt Ý, Đình Vũ, Cửu Long… đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Điện  lực Hải Phòng. Sản lượng điện thương phẩm 6 tháng đầu năm của Công ty chỉ đạt 44,6% kế hoạch được giao cho 6 tháng... Sản lượng điện tiêu thụ giảm, doanh thu giảm, nhưng tỷ trọng điện sinh hoạt lại tăng khiến cho tổn thất tăng theo, nên mặc dù Công ty Điện lực Hải Phòng rất tích cực trong việc áp đúng giá bán điện cho từng thành phần phụ tải để nâng giá bán bình quân đạt kế hoạch giao nhưng sự việc Công ty Cổ phẩn Thép Vạn Lợi đang lâm vào tình trạng phá sản để lại khoản nợ khó đòi khoảng 15 tỷ đồng và hơn 3 tỷ đồng nợ đọng của Công ty Cổ phần Khí Vạn Lợi khiến cho Công ty Điện lực Hải Phòng càng thêm khó khăn hơn.

Số doanh nghiệp giải thể và ngừng sản xuất trên cả nước lên tới 17.735 doanh nghiệp (tính đến hết 4 tháng đầu năm), nhưng con số nợ khó đòi tiền điện mới chỉ phát hiện ra ở một doanh nghiệp cho thấy, các tổng công ty điện lực, đặc biệt là Tổng công ty Điện lực miền Bắc chịu trách nhiệm cung ứng điện khu vực có nhiều doanh nghiệp sản xuất sắt thép và xi măng là ngành tiêu thụ nhiều điện và đang là những ngành có nguy cơ phá sản cao do tồn kho sản phẩm rất lớn. Việc thu tiền điện của các doanh nghiệp này là rất khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cán bộ công nhân ngành Điện. Bởi lẽ, trong điều kiện hiện nay, nếu các đơn vị phân phối điện để xảy ra những khoản nợ khó đòi quá lớn sẽ tạo thêm sức ép về thiếu vốn cho các công trình trọng điểm.

Điều quan trọng nhất là đến thời điểm này có thể khẳng định, EVN thoát khỏi hiệu ứng “đô-mi-nô” nhờ sự nỗ lực, đoàn kết nhất trí, bám sát nhiệm vụ để hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.


  • 14/08/2012 03:01
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 11565


Gửi nhận xét