Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân

Tính đến thời điểm khởi công Dự án Điện hạt nhân vào năm 2014 không còn nhiều, chuyện nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của ta vốn vừa yếu, vừa thiếu lại được hâm nóng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Trung (ảnh), Phó cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) về vấn đề này.

PV: Trong tương lai gần, Việt Nam chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Xin ông cho biết, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực đã được triển khai như thế nào?

Ông Phạm Quang Trung: Trong phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, vấn đề bảo đảm an toàn phải được xem là ưu tiên hàng đầu… Vì vậy, từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu chương trình phát triển điện hạt nhân; yêu cầu phát triển, ứng dụng an toàn, an ninh năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời tăng cường tiềm lực về khoa học công nghệ cho đất nước. Chính phủ  đã giao cho 5 trường đại học gồm: Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội); Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP Hồ Chí Minh); Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Điện lực; Trường Đại học Đà Lạt và Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử) chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực. Tập đoàn Rosatom (Nga) sẽ có trách nhiệm đào tạo kỹ sư, chuyên gia về điện hạt nhân cho Việt Nam để vận hành Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Ông Phạm Quang Trung khẳng định Việt Nam ưu tiên phát triển nguồn nhân lực Điện hạt nhân

Bên cạnh đó, chúng ta cũng tăng cường hợp tác đào tạo với các đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân như Nga, Nhật, Hung-ga-ri. Việt Nam hiện đang hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và một số tổ chức quốc tế khác như: Hiệp định Hợp tác vùng về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân, Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á.... Việt Nam đã ký 7 hiệp định hợp tác song phương sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến năng lượng nguyên tử…

PV: Quá trình triển khai đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này gặp những khó khăn gì thưa ông?

Ông Phạm Quang Trung: Trước hết, xin khẳng định, chúng ta có nhiều thuận lợi khi bước vào lĩnh vực này như, công nghệ hiện đại, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quý trong quá trình triển khai nhà máy mà các quốc gia đi trước. Tuy nhiên, cái khó nhất là đội ngũ cán bộ làm việc ở lĩnh vực này chưa đông đảo, kiến thức mới về kỹ thuật hạt nhân còn hạn chế. Một số cán bộ trẻ có trình độ và khả năng nhưng còn đang trong quá trình đào tạo. Mới đây, Chính phủ có phê duyệt Chương trình đào tạo nhân lực cho nhà máy Điện hạt nhân, nhưng gặp vướng mắc là chưa có chính sách đãi ngộ với người đi học và với người sau này làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân. Về vấn đề này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Chính phủ sớm công bố chính sách ưu đãi này để các cán bộ trẻ yên tâm theo đuổi ngành hạt nhân - một ngành công nghệ cao.

Bên cạnh đó, việc chọn những người trẻ tuổi đi đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân gặp nhiều khó khăn. Lâu nay, trong nước số người theo học ngành hạt nhân, kể cả sinh viên du học tự túc, cũng ít theo học ngành này. Vì thế, bài toán thiếu nhân lực sẽ diễn ra nếu ta không nhanh chóng tìm nguồn từ các cơ quan chuyên ngành để bồi dưỡng, đào tạo.

PV: Được biết, bên cạnh việc gấp rút chuẩn bị mọi mặt để khởi công nhà máy điện hạt nhân theo kế hoạch, Bộ cũng có đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân. Ông có thể cho biết đôi nét về đề án này?

Ông Phạm Quang Trung: Đề án này đang được xây dựng và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là bước khởi đầu quan trọng để tạo sự hiểu biết cần thiết của nhân dân đối với phát triển điện hạt nhân; bảo đảm thông tin kịp thời và minh bạch; duy trì sự ủng hộ của mọi người đối với tất cả các khâu của dự án điện hạt nhân - từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, triển khai và đưa vào vận hành. Mục tiêu của dự án là tạo ra nhận thức và sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của xã hội về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trước mắt là tạo sự đồng thuận của công chúng cho việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Còn về lâu dài, sẽ phát triển điện hạt nhân một cách bền vững ở Việt Nam.

PV: Sau sự cố xảy ra tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukuishima I (Nhật Bản) vào tháng 3/2011, người dân đã tỏ ra lo ngại khi chúng ta triển khai dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Bộ đã " xử lý"  vấn đề này như thế nào thưa ông?

Ông Phạm Quang Trung: Đây là một phần nằm trong đề án thông tin tuyên truyền về sự phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Trong đó, chúng tôi nêu bật về việc bảo đảm an toàn, an ninh cho nhà máy điện hạt nhân sẽ được khởi công tại Việt Nam. Đặc biệt là an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; ứng phó với sự cố hạt nhân; chu trình nhiên liệu hạt nhân, xử lý và quản lý chất thải phóng xạ tại khu vực triển khai xây dựng nhà máy... đã được đề án đề cập chi tiết. Đồng thời, đề án cũng nêu bật bài học kinh nghiệm từ các sự cố hạt nhân trên thế giới và tuyên truyền sâu rộng về văn hóa an toàn hạt nhân đến với người dân, giúp họ có nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề này để từng bước đồng thuận, ủng hộ cho từng giai đoạn hình thành và phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

 


  • 08/08/2012 11:03
  • Theo Quân đội nhân dân
  • 4734


Gửi nhận xét