Tham gia thị trường phát điện cạnh tranh giúp các nhà máy chủ động chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất
|
Sau 5 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh (từ tháng 7/2012 - tháng 7/2017), số lượng các nhà máy tham gia giao dịch trên thị trường đã tăng 2,45 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường.
Theo đó, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả tích cực, như: Công tác vận hành thị trường được đảm bảo an toàn, liên tục; hệ thống điện tiếp tục được vận hành tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội;
Kế hoạch vận hành thị trường điện hằng năm/tháng/tuần được công bố đầy đủ cho các thành viên tham gia, góp phần giúp tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động nguồn điện.
Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống.
Ông Đinh Thế Phúc – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, với tổng công suất đặt của 76 nhà máy tham gia thị trường là 20.728 MW, đạt tỷ lệ 49% toàn hệ thống thì kết quả này vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống SCADA/EMS vẫn còn những tồn tại nhất định, ảnh hưởng đến công tác dự báo, lập kế hoạch, điều độ, giám sát thị trường điện.
Thời gian tới, Cục Điều tiết Điện lực sẽ đôn đốc, kiểm tra các đơn vị phát điện mới chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tham gia thị trường điện. Bên cạnh đó, EVN cần khẩn trương hoàn thành hệ thống công nghệ thông tin giai đoạn 2 và ứng dụng các chức năng của hệ thống SCADA/EMS mới vào phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Những bất cập trong quy trình vận hành liên hồ sẽ được các đơn vị phát điện phối hợp các cơ quan hữu quan rà soát, đánh giá để báo cáo, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi.