Ấm no trên vùng tái định cư Thủy điện Lai Châu

Thực hiện chính sách di dân tái định cư Thủy điện Lai Châu, hơn 1.100 hộ dân với 4.700 nhân khẩu của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã tự nguyện rời xa những mảnh đất quê hương để tới nơi ở mới theo chủ trương của Nhà nước.

Người dân bản tái định cư Thủy điện Lai Châu chăm sóc vườn rau của gia đình

Từ năm 2011 tới nay, chính quyền địa phương huyện Mường Tè đã hoàn thành di dân đúng thời hạn, tạo mặt bằng phục vụ thi công, xây dựng các hạng mục công trình an sinh, xã hội. Hiện tại, Thủy điện Lai Châu đã hoàn thành nhưng việc tạo sinh kế cho dân tái định cư vẫn đang được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Mường Tè nỗ lực thực hiện, với mục tiêu "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ". 

Trở lại điểm tái định cư bản Nậm Củm, xã Mường Tè, huyện Mường Tè thời gian này, không còn ngổn ngang các hoạt động xây dựng, tạo mặt bằng tái định cư, lầy lội đất và cát. Thay vào đó là những ngôi nhà sàn khang trang, dựng san sát nhau, đường bê tông phẳng lì vươn tới mọi ngõ ngách, xuất hiện nhiều hơn những cửa hàng tạp hóa lớn, nhỏ...

Ông Lý Văn Phón, Chủ tịch UBND xã Mường Tè, huyện Mường Tè phấn khởi chia sẻ, “Nhờ thực hiện tốt chương trình di dân tái định cư gắn với xây dựng nông thôn mới, cuộc sống tại các bản tái định cư của xã đã và đang khởi sắc với những công trình giao thông, thủy lợi, trường học và trụ sở xã được đầu tư xây dựng. Ngoài ra, với diện tích hơn 400 m2 đất được cấp mỗi hộ, các hộ gia đình ở bản đã tự quy hoạch khu vực nhà ở và chuồng trại chăn nuôi quy củ, đáp ứng nhu cầu nuôi gia súc và gia cầm. Để tiết kiệm sức lao động, nhà nào cũng đầu tư mua thêm máy thái chuối và máy xay xát...". 

Nhà nằm ở đầu bản, mọi người trong gia đình ông Lò Khìn, dân tộc Thái rất vui vẻ khi nhắc đến những thay đổi trong cuộc sống và sinh hoạt. Lên nơi ở mới, gia đình ông Khìn được nhận hơn 400 m2 đất ở cùng 1.000 m2 đất ruộng và được Nhà nước hỗ trợ nhiều về sinh kế; có điều kiện để chăn nuôi thỏ, gà, vịt và thả cá... thu nhập gia đình ổn định hơn rất nhiều. 

Ông Lò Khìn cho biết, trước kia sống tại nơi ở cũ không có điện lưới Quốc gia nên sống rất khó khăn. Muốn có điện phải tự đi lắp máy phát điện để ở suối; những lúc mưa lũ cuốn hết máy phát đi, không có điện cũng phải chịu. Bây giờ thì khác, điện, nước sinh hoạt được Nhà nước mắc đến tận nhà. Được dùng điện lưới ổn định nên gia đình mua thêm tivi, máy xát gạo, tủ lạnh... để phục vụ sinh hoạt. Về đây được ở tập chung, người dân sum vầy trao đổi kinh nghiệm làm ăn với nhau, gia đình rất yên tâm để phát triển kinh tế. 

Hiện trên địa bàn xã Mường Tè, huyện đã đầu tư ba hệ thống thủy lợi với tổng mức đầu tư trên 40 tỷ đồng, phục vụ cho việc tưới tiêu cho gần 100 ha ruộng lúa. Cùng với việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, trong những năm qua, các hộ gia đình ở mọi khu tái định cư của xã Mường Tè đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, để lựa chọn những hình thức nuôi, trồng phù hợp với thực tế của xã, phòng Nông nghiệp huyện cũng đã tổ chức triển khai và thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã như cánh đồng một giống lúa, trồng mía, trồng quế, trồng chuối, chăn nuôi hộ gia đình; chăn nuôi trâu, bò sinh sản… 

Ông Lý Văn Phón vui vẻ nói: "Bởi biết áp dụng khoa học công nghệ, các mô hình triển phát triển kinh tế thực hiện tại xã Mường Tè đều được người dân trong xã triển khai và thực hiện tốt, đồng thời tổ chức duy trì thực hiện đạt hiệu quả cao. Từ đó, tạo tiền đề cho bà con vùng tái định cư phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập; đưa thu nhập bình quân đầu người của xã Mường Tè đạt trên 15 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục thực hiện các công tác tuyên truyền, vận động người dân tái dịnh cư Thủy điện Lai Châu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, ổn định và xây dựng cuộc sống tại nơi ở mới”. 

Ông Vũ Văn Bồi, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Mường Tè cũng cho biết, với tổng vốn đầu tư được phê duyệt theo quy hoạch chi tiết các khu tái định cư là hơn 918 tỷ đồng, huyện Mường Tè đã thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ đời sống... cho người dân. Đồng thời, chú trọng đầu tư xây dựng 27 công trình đường giao thông, 13 công trình thủy lợi, 8 công trình nước sinh hoạt; các công trình nhà văn hóa, nhà trẻ, trường học, trạm y tế... 

Ngoài ra, để các hộ dân tái định cư có thể “an cư”, những giải pháp tạo sinh kế cho họ phải được triển khai và thực hiện hiệu quả. Chính quyền, phòng ban các cấp của huyện Mường Tè đã rất nỗ lực thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất cho vùng tái định cư, tư vấn hướng dẫn người dân áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, triển khai nuôi, trồng những cây con phù hợp với thực tế cuộc sống tại các điểm tái định cư, như tổ chức chăn nuôi theo mô hình hộ gia đình; nuôi cá chiên, cá lăng trên hồ thủy điện; thâm canh tăng vụ trên diện tích ruộng hiện có; triển khai thực hiện các mô hình trồng quế, trồng chuối... Qua đó để người dân ở các điểm tái định cư chủ động áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống trên quê hương mới. 


  • 11/01/2017 09:42
  • Theo TTXVN
  • 8338