Ấn Độ đang hướng đến điện hạt nhân để đối phó với khủng hoảng năng lượng - Ảnh Internet
|
Hiện các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá sản xuất khoảng 2/3 sản lượng điện của Ấn Độ. Tình trạng cắt điện vẫn diễn ra khá thường xuyên tại nước này và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng nhanh, khi tầng lớp trung lưu gia tăng và nền kinh tế mở rộng.
Trong khi đó, Tòa án Tối cao mới đây đã bác bỏ 200 đơn xin cấp phép khai thác than, với lý do quá trình cấp phép diễn ra bất hợp pháp. Ấn Độ hiện là nước có trữ lượng than đá lớn thứ 5 thế giới.
Trong nỗ lực thực thi những cam kết trong chiến dịch tranh cử nhằm thúc đẩy nền kinh tế, Thủ tướng Modi đã đặt năng lượng hạt nhân lên hàng ưu tiên. Song, ông Modi cần thuyết phục người dân về tính an toàn của điện hạt nhân cũng như xua tan những lo ngại của bên ngoài về việc nhập khẩu uranium và những công nghệ cần thiết để sản xuất điện hạt nhân.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), gần 400 triệu người dân Ấn Độ vẫn chưa được sử dụng điện. Chính phủ nước này đang muốn nâng tỷ trọng của 20 nhà máy điện hạt nhân trong cơ cấu sản lượng điện quốc gia từ mức chưa đầy 2% hiện nay lên 25% vào năm 2050.
Chuyên gia Avinash Godbole, thuộc Viện Phân tích và Nghiên cứu quốc phòng tại New Delhi, cho rằng Ấn Độ muốn học hỏi kinh nghiệm từ sự thành công của Trung Quốc trong việc tự thiết kế lò phản ứng và mô phỏng cũng như thích ứng với công nghệ. Hiện Ấn Độ là một trong những quốc gia có trữ lượng thorium (nguyên liệu hạt nhân an toàn hơn uranium) lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, quốc gia này vẫn chưa làm chủ được công nghệ cho phép New Delhi sử dụng các lò phản ứng thorium. Do đó, cho đến khi áp dụng được công nghệ này, Ấn Độ sẽ vẫn phải nhập khẩu uranium.