Bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên bừng sáng trong ánh điện

Sau gần một năm kể từ ngày có điện lưới quốc gia, cuộc sống của người dân Tồng Sớ, xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, đang dần đổi thay, những ngôi nhà bừng sáng trong ánh điện.

Điện Biên là tỉnh miền núi nằm ở khu vực Tây Bắc của Tổ quốc, địa hình chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, tỉnh luôn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng điện năng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, các dự án đưa lưới điện quốc gia đến các bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và giảm bớt tình trạng đói nghèo.

Cuối năm 2023, người dân bản Tồng Sớ, xã Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông) đón lưới điện quốc gia sau thời gian dài mong mỏi chờ đợi. Bản Tồng Sớ có 36 hộ dân đều là đồng bào dân tộc Mông, dù chỉ cách trung tâm xã chưa đầy 3km nhưng phải mất đến 30 phút đi xe máy bởi đường giao thông chủ yếu là đèo dốc, gập ghềnh đá sỏi.

Công nhân Điện lực Điện Biên Đông lắp điện cho người dân ở ở bản Tồng Sớ, xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông.

Sau gần một năm kể từ ngày có điện lưới quốc gia, cuộc sống của người dân Tồng Sớ đang dần đổi thay, những ngôi nhà bừng sáng trong ánh điện. Có điện lưới về, người dân trong bản đã mua sắm tivi, nồi cơm điện, tủ lạnh, có gia đình còn đầu tư cả máy xay xát để phục vụ sản xuất.

Anh Thào A Pó, người dân bản Tồng Sớ, chia sẻ trước đây chưa có điện, người dân trong bản muốn làm gì cũng khó. Từ nguồn điện thắp sáng, cho con cái học hành cho đến sản xuất nông nghiệp đều rất hạn chế. Từ khi có điện, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư máy xay xát để phục vụ cho người dân trong bản và các bản lân cận.

Còn đối với những giáo viên như chị Vàng Thị Chía ở điểm trường Tồng Sớ, trước khi có điện, sau mỗi ngày lên lớp, chiều tối chị lại phải chạy xe máy về điểm trường trung tâm để tối có điện soạn giáo án. Đối với học sinh, vào mùa hè, giờ ngủ trưa nắng nóng vì không có điện, rất vất vả. Từ khi có điện, việc dạy và học của cô trò tại điểm trường cũng thuận tiện hơn, có điện, chế độ sinh hoạt của học sinh và giáo viên cũng được đảm bảo hơn.

Giám đốc Điện lực Điện Biên Đông Lê Văn Tùng cho biết công trình hệ thống điện sinh hoạt 2 Trạm biến áp Tồng Sớ và Ao Cá, xã Pú Hồng có tổng mức đầu tư 5,2 tỷ đồng, cấp điện cho 36 hộ dân tại bản Tồng Sớ và 45 hộ dân bản Ao Cá. Công trình được khởi công từ đầu tháng 4/2023 và hoàn thành vào cuối năm 2023. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã giúp người dân thỏa mong ước sử dụng điện lưới quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Điện Biên Đông là huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, trước năm 2020, đây là địa phương có tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia thấp nhất tỉnh khi có tới 39 bản, hơn 2.600 hộ dân chưa được sử dụng điện.

Trước thực trạng đó, trong Nghị quyết của Đảng bộ huyện giai đoạn 2020-2025, địa phương này đã xác định phát triển hệ thống lưới điện là động lực quan trọng “đi trước mở đường” thúc đẩy kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, sau gần 4 năm huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện, đến hết tháng 9 năm 2024, toàn huyện có 14/14 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, đạt 100%; có 189/198 bản có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 95,4% tổng số bản; số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia là 13.838/14.543 hộ đạt tỷ lệ 95,1% tổng số hộ của huyện.

Trong năm 2024, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình diện lưới quốc gia với tổng kinh phí là 50 tỷ đồng, dự kiến cấp điện cho 654 hộ thuộc địa bàn các xã trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, như: Xa Dung, Pu Nhi, Chiềng Sơ, Tìa Dình, Keo Lôm, Phì Nhừ, Mường Luân và Na son.

Công nhân Điện lực Tủa Chùa đóng điện Trạm biến áp đội 6 thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa.

Quy mô xây dựng mới 16,5km tuyến đường dây trung áp (35 kV); 25,7km tuyến đường dây 0,4kV; xây dựng 12 trạm biến áp với tổng dung lượng là 650 kVA và 654 côngtơ điện tử cấp điện cho các hộ dân chưa được sử dụng điện.

Đến cuối tháng 10/2024, trong tổng số 10 dự án đã có 1 dự án hoàn thành, các dự án khác dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2024.

Ông Bùi Ngọc La, Quyền Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông, cho biết với nguồn vốn hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến đến hết năm 2024, số bản có điện trên địa bàn huyện là 198/198 bản, đạt 100%. Số hộ sử dụng điện tăng thêm so với năm 2023 khoảng 1.280 hộ, đưa tổng số hộ được sử dụng điện trên địa bàn lên 14.433/14.543 hộ và đạt 99,2%.

Việc đưa điện lưới quốc gia về các xã, bản đã giải quyết được các vấn đề về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thay đổi toàn diện về bộ mặt địa phương, đặc biệt là việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất cũng như thông tin tuyên truyền.

Theo ông Đỗ Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên, tính đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh Điện Biên có 129/129 xã phường, thị trấn được cấp điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Số hộ dân toàn tỉnh được dùng điện lưới quốc gia là 132.862/141.469, đạt tỷ lệ 93,9%, trong đó số hộ nông thôn có điện đạt 106.627/115.142 đạt 92,6%.

Công ty Điện lực Điện Biên đang nỗ lực cùng với chính quyền địa phương và các ban, ngành, tổ chức xã hội trong việc đưa điện đến các điểm bản vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân, giúp bà con nâng cao đời sống tinh thần và phát triển kinh tế của địa phương.

Năm 2024, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia thuộc Chương trình “Bừng sáng Điện Biên” với mục tiêu xây dựng hệ thống điện nông thôn cấp điện sinh hoạt và sản xuất cho 5.093 hộ dân của 110 thôn, bản thuộc 47 xã trên địa bàn các huyện trong tỉnh. Đây là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên.

Quy mô Dự án đầu tư xây dựng, lắp đặt mới 365km đường dây trung áp 35kV; 105 trạm biến áp với tổng công suất 5.550 kVA; 159km đường dây hạ áp 0,4kV và 5.093 côngtơ. Tổng mức đầu tư dự án 1.260 tỷ đồng được thực hiện từ năm 2024 đến năm 2026.

Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo người dân ở các bản vùng sâu, vùng xa có thể sử dụng điện sinh hoạt và phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.

“Bừng sáng Điện Biên” là dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia với quy mô cấp điện cho 10.400 hộ dân, trong đó có 118 bản trắng chưa có điện với tổng nguồn vốn hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là chương trình nhằm thực hiện hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV đến hết năm 2025, số hộ được sử dụng điện đạt 98%.

Việc đưa lưới điện về các bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên là một bước tiến lớn trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các dự án này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề kinh tế, giáo dục và y tế.

Với những nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành điện, mạng lưới điện quốc gia sẽ tiếp tục được mở rộng đến khắp các bản làng, mang lại những lợi ích thiết thực hơn nữa cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên./.

Link gốc


  • 11/11/2024 03:04
  • Theo https://www.vietnamplus.vn/
  • 1164