Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc: Gỡ khó giải phóng mặt bằng

Xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là yếu tố quyết định đến tiến độ, chất lượng dự án, nên Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) đã chú trọng tìm mọi giải pháp xử lý vấn đề này.

Nỗ lực vượt khó

Lãnh đạo NPMB cho biết, năm 2016, lưới điện truyền tải vẫn đang vận hành trong tình trạng đầy và quá tải, chưa đáp ứng tiêu chí dự phòng. Vì vậy, công tác đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải bị áp lực về đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng.

GPMB là yếu tố quyết định đến tiến độ dự án

Tuy nhiên, khi triển khai, công tác GPMB luôn gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đặc biệt, năm 2016 là năm bầu cử Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhân sự lãnh đạo, bộ máy chính quyền các địa phương được kiện toàn nên có nhiều thay đổi; chế độ chính sách của nhà nước, địa phương có khoảng cách nhất định, dẫn đến các đòi hỏi, kiến nghị của dân mất nhiều thời gian giải thích, tuyên truyền; có dự án phải phối hợp chính quyền địa phương bảo vệ thi công.

Dù vậy, với quyết tâm cao nhất, trong năm qua, NPMB đã khởi công được 8/13 dự án 500 kV/220 kV. Trong đó, nhiều dự án quan trọng phục vụ cấp điện cho Hà Nội và vùng phụ cận như: TBA 500 kV Tây Hà Nội, lắp MBA thứ 2 TBA 220 kV Kim Động, đường dây 500 kV đấu nối phục vụ truyền tải công suất Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long.

Đồng thời, thực hiện đóng điện 11 dự án quan trọng, cấp bách như: Dự án phục vụ cấp điện cho Hà Nội TBA 500 kV Phố Nối và các đường dây đấu nối, TBA 220 kV Sơn Tây và đấu nối; đấu nối nguồn đường dây 220 kV Thủy điện Trung Sơn; chống quá tải cho khu vực như TBA 220 kV Than Uyên và đấu nối, lắp máy thứ 2 TBA 220 kV Lào Cai; thi công đủ điều kiện đóng điện 4 dự án... Những công trình này này đã góp phần tăng cường khả năng cung cấp điện, bảo đảm cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Quyết liệt các giải pháp

Ông Đỗ Đức Mạnh - Trưởng phòng Đền bù NPMB cho biết, năm 2017, NPMB được giao khởi công 15 dự án, thực hiện đóng điện 24 dự án. Điều lo lắng nhất của NPMB vẫn là công tác đền bù GPMB vì các dự án thuộc kế hoạch khởi công chủ yếu nằm trên địa bàn Hà Nội và vùng Đồng bằng Bắc bộ. Đây là khu vực cực kỳ phức tạp, khó khăn, do giá đất có nhiều biến động, quy hoạch của các địa phương thường có điều chỉnh. Chính vì vậy, ngay từ khi lập dự án và trong quá trình triển khai, Ban lãnh đạo NPMB luôn ưu tiên tập trung cho công tác này thông qua việc xây dựng kế hoạch với những giải pháp quyết liệt đồng bộ trên cơ sở những phát sinh từ thực tế.

Dù lực lượng mỏng, khối lượng dự án khởi công, thi công cùng thời điểm, nhưng NPMB quyết tâm bám sát hiện trường, quyết liệt các giải pháp, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương để giải quyết kịp thời về mặt bằng, bảo đảm đưa các công trình điện vào đúng tiến độ.

Lãnh đạo NPMB thường xuyên làm việc với các cấp chính quyền địa phương; đẩy mạnh phối hợp tìm cách tháo gỡ khó khăn trong việc xác định giá đất, nguồn gốc, ranh giới đất; chủ động tổ chức và phối hợp với các cơ quan đoàn thể gặp gỡ trực tiếp các hộ dân để tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, giải thích, vận động và giải đáp về mặt chính sách nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Để làm tốt công tác đền bù, GPMB, NPMB đã bố trí, cử nhiều cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng về công tác đền bù GPMB...

Trên cơ sở những vướng mắc bất cập từ thực tiễn, NPMB đã tập hợp ý kiến, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình cơ quan quản lý nhà nước sửa đổi, bổ sung chính sách sao cho dễ triển khai, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia.


  • 07/03/2017 10:57
  • Theo Báo Công Thương
  • 10459