Hỏa hoạn luôn rình rập
Vào mùa khô ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ, nguy cơ cháy rừng phòng hộ, rừng trồng do đốt nương làm rẫy, đốt lá mía luôn rình rập... không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn đe dọa đến hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (HLBVATLĐCA) trong khu vực. Đáng nói, các đám cháy thường lan nhanh trong thời tiết hanh khô, việc khống chế đám cháy gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hoàng Xuân Phong - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 cho biết, Công ty quản lý lưới điện tại 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, với đặc thù thời tiết có 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô, Công ty thường xuyên phải đối mặt với các vụ hỏa hoạn, ảnh hưởng đến việc vận hành lưới điện. Có những tháng, cả khu rừng xảy ra rất nhiều đám cháy, bắt đầu từ phía ngoài, sau đó lan vào gần và trong HLBVATLĐCA. Mặc dù, chính quyền cũng như các cơ quan liên quan đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, ngăn chặn, nhưng kết quả còn hạn chế, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đây là khu vực có đa số người dân di cư và dân tộc thiểu số, việc đốt rừng làm nương rẫy là tập quán canh tác từ lâu đời, đồng thời là nhu cầu mưu sinh của các hộ dân.
Công nhân Truyền tải điện Đà Nẵng phát quang thực bì trong hành lang bảo vệ đường dây, chống cháy rừng
|
Bên cạnh cháy rừng do đốt nương làm rẫy, khu vực các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên còn là vùng nguyên liệu mía, với các cánh đồng mía kéo dài vài chục km. Vào thời điểm thu hoạch (từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm), người dân thường đốt lá mía. Khi có gió, đám cháy dễ lan rộng ra cả ruộng mía, nếu cháy gần lưới điện cao áp, nguy cơ xảy ra sự cố rất cao. Trong khi đó, nếu tổ chức đền bù, khối lượng rất lớn, các đơn vị quản lý đường dây không đủ khả năng đền bù theo yêu cầu của dân. Ngoài ra, nhiều khu vực người dân không chấp nhận đền bù tạo “hành lang trắng” hoặc thay đổi cây trồng, vì trồng mía là thích hợp và hiệu quả nhất.
Trong lúc “bà hỏa” thường xuyên rình rập thì các trang thiết bị, phương tiện phục vụ khống chế, chữa cháy lại chưa được trang bị, chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp truyền thống thô sơ như dùng cây đập vào đám cháy, dùng xẻng xúc đất, cát… Hơn thế, vùng có nguy cơ cháy cao thường là vùng khô hạn, tìm được nguồn nước chữa cháy cũng là cả một vấn đề lớn.
Giải pháp nào?
Để chủ động phòng chống cháy trong mùa khô tại khu vực hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, ngay từ cuối năm 2015, EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị truyền tải điện thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện trên nguyên tắc chủ động giảm tối đa nguy cơ tiềm ẩn hỏa hoạn, gây sự cố cho lưới điện cao áp. Theo đó, các đơn vị đã lên kế hoạch cụ thể trong các tháng mùa khô (các tỉnh Tây Nguyên từ tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau, các tỉnh Duyên hải miền Trung từ tháng 1 đến hết tháng 7).
Đoàn viên, thanh niên EVNNPT tuyên truyền bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp
|
Ông Nguyễn Văn Tuyến - Phó phòng An toàn, Công ty Truyền tải điện 3 cho biết, song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Công ty còn thuê nhân công giúp người dân thu hoạch, vận chuyển mía, xử lý lá mía sau thu hoạch. Đồng thời, huy động lực lượng tổng kiểm tra, phát quang, dọn thực bì, tiêu hủy có kiểm soát... giảm tối đa nguy cơ gây hỏa hoạn. “Với nhiều giải pháp thiết thực, từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2016, mặc dù thời tiết nắng nóng và khô hạn gay gắt, nhưng trong phạm vi quản lý của Công ty Truyền tải điện 3, đã không xảy ra sự cố do vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp” - ông Tuyến cho biết thêm. Tuy nhiên, lực lượng quản lý vận hành chỉ đủ làm công tác sửa chữa, bảo dưỡng, chặt tỉa cây xung quanh hành lang bảo vệ an toàn lưới điện. Chính vì vậy, việc tổ chức canh gác, giúp dân thu hoạch, xử lý nguy cơ dẫn đến hỏa hoạn trong thời gian dài là hết sức khó khăn với đơn vị.
Đại diện Truyền tải điện Quảng Bình (Công ty Truyền tải điện 2) chia sẻ, đơn vị đã tập hợp được trên 200 cộng tác viên, tuyên truyền viên tại các xã và ký gần 500 bản cam kết không đốt nương làm rẫy, không xâm phạm, hoặc làm ảnh hưởng đến HLBVATLĐCA. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, qua đó đã góp phần giảm nguy cơ đe dọa đến HLBVATLĐCA.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan, đặc biệt là nạn hạn hán kéo dài. Chính vì vậy, để đảm bảo việc cung ứng điện được an toàn, liên tục, bên cạnh nỗ lực của ngành Điện, rất cần sự chung tay, phối hợp, ủng hộ của người dân trong việc bảo vệ HLATLĐCA, bằng cách hạn chế đốt nương làm rẫy, vệ sinh rừng trồng, đốt mía… dưới, trong và gần hành lang lưới điện.
Sự cố ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp:
- Ngày 21/3/2014, ruộng mía của Nhà máy đường Biên Hòa bị cháy đã lan vào khu vực hành lang bảo vệ an toàn đường dây 220 kV Bảo Lộc - Long Bình gây phóng điện…
- Ngày 20/4/2015, xảy ra sự cố cháy tại đường dây 500 kV Pleiku - Di Linh, do người dân khi phát rẫy, đã không dọn hết cành cây khô ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, gây sự cố tại khoảng cột 478-479, khiến đường dây phải ngừng vận hành gần 4 giờ.
Một số giải pháp chống cháy trong mùa khô:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân;
- Kiểm tra, tổ chức phát quang cây cối trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện;
- Chủ động khoanh vùng, thu gom và đốt có kiểm soát các loại cây khô, lá khô, giảm tối đa nguy cơ dẫn đến hỏa hoạn;
- Đối với các khu vực trọng yếu, cử cán bộ, công nhân ứng trực thường xuyên, xử lý kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn;
- Làm việc với chính quyền địa phương, các nhà máy đường, trạm thu mua nông sản, ưu tiên thu hoạch trước các ruộng mía nằm gần HLBVATLĐ.
- Ký cam kết với các lâm trường, nông trường, Ban quản lý rừng phòng hộ, UBND các địa phương và từng hộ dân về đảm bảo an toàn hành lang lưới điện.
|