Hung khí mà đối tượng Trường đã chém nhân viên điện lực - Ảnh: Trung Dũng
|
Vụ việc xảy ra vào lúc 11h30 ngày 23/2, tại thôn Tê Quả, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Vào thời điểm trên, qua kiểm tra hành chính, Tổ công tác Công ty Điện lực Thanh Oai cùng cán bộ thôn Tê Quả đã phát hiện gia đình Tạ Thị Hà (SN 1982) câu móc điện sinh hoạt trái phép, Tổ công tác đã nhắc nhở, nhưng gia đình Hà không chấp hành và có hành vi chống đối.
Thấy vậy, anh Nguyễn Hữu Huỳnh là Đội trưởng đội Quản lý khách hàng 5 – Công ty Điện lực Thanh Oai đã giật dây câu móc điện và chụp ảnh làm bằng chứng vi phạm.
Trước thái độ kiên quyết của Tổ công tác, Tạ Huy Trường (SN 1984), em trai Hà có hành vi côn đồ, kề dao vào cổ Tổ trưởng Tổ kiểm tra để yêu cầu giao nộp lại máy ảnh. Điên cuồng để đạt mục đích, Trường đã dùng 2 hung khí để vừa chém vừa đâm tới tấp anh Nguyễn Hữu Huỳnh đến khi anh Huỳnh ngã gục mới ngưng tay. Rất may là nhờ có mũ bảo hộ và mặc nhiều áo nên anh Huỳnh đã không bị đối tượng lấy đi tính mạng, nhưng anh bị thương tích rất nặng và phải nhập viện gấp.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, công an huyện Thanh Oai đã tiến hành tạm giữ Trường để điều tra xử lý theo pháp luật.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội đã đến động viên, thăm hỏi anh Huỳnh Ảnh: Trung Dũng
|
Sự việc một lần nữa gióng nên hồi chuông đáng báo động về thực trạng vi phạm sử dụng điện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo thống kê thì trong năm 2012 trên toàn thành phố đã có 468 vụ vi phạm sử dụng điện bằng nhiều hình thức như: Câu móc thẳng, sử dụng nguội ngoài, cắt chì kiểm định… Riêng trên địa bàn huyện Thanh Oai, ngành Điện đã phát hiện và xử lý 14 vụ.
- Điều 14, Nghị định số 68/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 06 năm 2010 quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực thì việc vi phạm các quy định về sử dụng điện sẽ có mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Ngoài các hình thức xử phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, bồi thường toàn bộ số tiền tổn thất và buộc sử dụng các thiết bị đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.
- Căn cứ theo mục d, khoản 1, điều 93 của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 qui định về Tội giết người thì: Người nào giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân thì bị phạt tù từ mười 2 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
|