Nhờ dự án Thủy điện sông Bung 2 và Thủy điện sông Bung 4 (chủ đầu tư là EVN), huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã được đầu tư thêm một con đường nối liền từ Quốc lộ 14D kéo dài đến các công trình của Dự án. Việc có một con đường mới hoàn toàn với độ dài 40 km chạy ngang qua nhiều xã khó khăn của huyện Nam Giang như xã La Êê, xã Zuôih, Cà Dy đã tạo sự thuận lợi về giao thông, buôn bán, giúp bà con dân tộc thiểu số nơi đây phát triển kinh tế. Tuy nhiên, lợi dụng con đường này, hàng trăm đối tượng đã vận chuyển máy móc, dụng cụ tiến vào khu vực lòng hồ của các dự án thủy điện này để khai thác vàng, khoáng sản trái phép.
Ông Nguyễn Sơn - Trưởng ban QLDA Thủy điện sông Bung 2 chia sẻ: Việc khai thác vàng trái phép không những làm hư hại nhanh chóng con đường phục vụ thi công công trình thủy điện, phục vụ dân sinh, mà còn kéo theo sự mất ổn định về xã hội, an ninh, khiến một số không ít đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây không những hiểu sai về mục đích tốt đẹp khi xây dựng thủy điện, mà còn nhầm lẫn rằng, những người làm thủy điện đã tiếp tay cho việc khai thác vàng, khoáng sản trái phép.
Tình trạng khai thác vàng thuộc lòng hồ các dự án thủy điện sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xấu đến môi trường, an sinh
|
Thời gian qua, Ban quản lý dự án Thủy điện sông Bung 2 đã nhiều lần làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam, Công an tỉnh Quảng Nam, Công an huyện Nam Giang về vấn đề này. Ban không có thẩm quyền hạn chế hay cấm người lưu thông trên con đường đó, nên để giải quyết tận gốc vấn đề, Ban chỉ có thể kiến nghị để các cơ quan chức năng cùng vào cuộc.
Một người dân sống ven sông Bung tại xã Zuôih cung cấp thông tin: Ban ngày, các đối tượng khai thác vàng di chuyển máy móc sang địa bàn khác, ban đêm mới tiến hành khai thác. Riêng thời điểm năm 2010, hàng loạt xe ô tô chở máy bơm, máy đào chạy rầm rập vào các điểm khai thác vàng. Những đối tượng này có vũ khí và sẵn sàng tấn công người lạ.
Ông Alăng Mai, Chủ tịch huyện Nam Giang cho biết: “Vì đây là khu vực ranh giới đường thủy giữa 2 huyện Nam Giang và Đông Giang, nên khi lực lượng của huyện Nam Giang tiến hành truy quét, các đối tượng đối phó bằng cách di chuyển, tẩu tán các phương tiện khai thác vàng trái phép về phía bờ sông Bung, thuộc huyện Đông Giang. Chúng tôi đã có văn bản gửi huyện Đông Giang để 2 huyện cùng phối hợp giải quyết”.
Thiết nghĩ, việc khai thác vàng, khoáng sản trái phép một cách rầm rộ diễn ra trong thời gian dài vừa qua tại khu vực lòng hồ của các dự án thủy điện trên sông Bung không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường, an ninh xã hội, mà còn làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở, xói mòn, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến quá trình thi công và vận hành thủy điện, xả lũ sau này. Do vậy, rất cần chính quyền các địa phương liên quan vào cuộc một cách quyết liệt và triệt để.