Đại diện PVN cho biết, Tập đoàn này càng cung cấp nhiều điện cho EVN thì số nợ lại càng tăng. Trong khi tháng trước khoản nợ là 8.000 tỷ đồng thì nay đã lên tới hơn 10.100 tỷ đồng. Khoản nợ để quá lâu không chỉ ảnh hưởng đến việc tái sản xuất mà còn tác động đến quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp trong Tập đoàn. Thêm vào đó, việc này cũng sẽ làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài cũng như khó khăn về vốn.
“Mỗi nhà máy nhiệt điện than có số vốn đầu tư rất lớn nên nếu EVN không thanh toán nợ dứt điểm thì tác hại sẽ rất lớn”, ông Việt nói.
Ông Việt cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực (EVN) phối hợp với ngành dầu khí huy động tối đa các nhà máy điện, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang chia sẻ rằng, quý bốn là quý “nước rút” nên mọi tập đoàn, doanh nghiệp…đều phải tập trung hết sức để giải quyết khó khăn, nhằm tạo đà cho một năm mới.
Khoản nợ không nhỏ của EVN thực tế không mới, đã được nhắc đến suốt từ tháng tư và hầu như các cuộc giao hàng tháng tại Bộ Công Thương đều được đề cập đến. Hiện tại, EVN đang nợ PVN và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khoảng 11.100 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, bản chất của vấn đề là do giá điện chưa phù hợp. Do thị trường điện cạnh tranh mới chỉ manh nha nên EVN không tránh khỏi khó khăn. Về vấn đề này, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cũng đã có chỉ đạo.
"Các bên hãy cùng suy nghĩ để đưa ra giải pháp, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn vì sự phát triển chung", ông Quang nói.