Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Không có chuyện thủy điện phát điện "cầm chừng"

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại phiên trả lời chất vấn đại biểu quốc hội chiều ngày 17/11/2014 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII). Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là người đăng đàn đầu tiên trước Quốc hội và tập trung làm rõ các vấn đề về điện lực, công nghiệp hỗ trợ, quản lý thị trường, phát triển công nghiệp chế tạo, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, chống hàng giả, buôn lậu...

Cụ thể, trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương (Đại biểu TP. Hồ Chí Minh) về vấn đề: Liệu có hay không chuyện phát điện cầm chừng ở các nhà máy thủy điện lớn, ví dụ như thủy điện Hòa Bình " trong khi chúng ta vẫn phải mua điện của tư nhân và nhập khẩu điện Trung Quốc", gây lãng phí tài nguyên nhà nước và làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân và xã hội... Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Hoàn toàn không có cơ sở để khẳng định vấn đề này.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại nghị trường - Ảnh: CTV

Bộ trưởng phân tích, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước cùng ngành Điện đã có những nỗ lực rất lớn, đầu tư, xây dựng hàng loạt các công trình điện, cũng như tuyên truyền sử dụng chắt chiu nguồn điện - tài nguyên quốc gia. Không chỉ có Thủy điện Hòa Bình, mà rất nhiều nhà máy Thủy điện lớn khác như Tuyên Quang,  Sơn La, Lai Châu... đã, đang được xây dựng, vận hành hiệu quả. Các nhà máy điện này được xây dựng với  2 nhiệm vụ  lớn: Phát điện và đảm bảo cắt lũ, giảm lũ cho hạ du trong mùa mưa, cũng như cấp nước chống hạn, phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp... Và trên thực tế, các nhà máy điện lớn đã làm tốt đồng thời cả 2 nhiệm vụ này. 

"Không có lý do gì để chúng ta không khai thác triệt để các nhà máy Thủy  điện" – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh. Bằng chứng là hầu như năm nào các nhà máy thủy điện cũng vận hành hết công suất thiết kế. Riêng nhà máy Thủy điện Hòa Bình có công suất thiết kế 1920 MW, sản lượng khoảng 8  - 9 tỷ kWh/năm, và trên thực tế, năm nào nhà máy cũng phát đến con số này, không hề có câu chuyện “cầm chừng”. Đặc biệt là nhà máy Thủy điện Sơn La, từ khi đi vào vận hành, đã đóng góp khoảng 9 - 10 tỷ kW/năm, bằng hoặc thậm chí cao hơn công suất thiết kế.

Tuy nhiên, ngành Điện cũng đã cố gắng để mua điện từ các nhà máy điện nhỏ của tư nhân, tạo điều kiện cho các nhà máy này phát hết công suất và làm ăn hiệu quả - Bộ trưởng khẳng định. 

Liên quan đến câu hỏi về điều hành giá điện và giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Hiện giá xăng dầu đã được vận hành hoàn toàn theo giá thị trường, có tăng và giảm theo giá thế giới. Đặc biệt, từ nay đến 2015, giá điện cũng sẽ được vận hành theo cơ chế thị trường, đảm bảo minh bạch, điều chỉnh theo cơ cấu giá nguyên liệu đầu vào để cho ngành Điện có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, dù vận hành theo cơ chế thị trường, giá điện vẫn sẽ được điều tiết trên cơ sở đảm bảo cho đời sống của nhân dân, hỗ trợ cho các hộ nghèo và gia đình chính sách...

* Một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm khác như: Quy hoạch thủy điện, cấp điện cho vùng sâu vùng xa, trồng bù rừng thủy điện và thực hiện nghĩa vụ phí môi trường... Bộ trưởng Bộ Huy Hoàng cũng đã có trả lời cụ thể

Nghị quyết 62 của Quốc hội về rà soát quy hoạch thủy điện: Cơ bản đã hoàn thành tốt

Mặc dù trước phiên chất vấn, Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời khá chi tiết, đầy đủ các vấn đề liên quan đến Nghị quyết 62 (Nghị quyết của Quốc hội về công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các nhà máy thủy điện) mà đại biểu quan tâm, nhưng trước chất vấn của đại biểu Phạm Văn Cường (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn đã thẳng thắn thừa nhận: Sau 1 năm chính thức triển khai, Nghị quyết 62 của Quốc hội đã dành được nhiều kết quả khả quan, cũng như vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. 

Bộ trưởng cho biết: Về cơ bản, Nghị quyết 62 đã được thực hiện thành công, với việc hoàn thành rà soát lại quy hoạch thủy điện trên quy mô cả nước. Cụ thể, trước khi Nghị quyết chính thức có hiệu lực, Bộ Công Thương và các ban ngành liên quan đã thực hiện rà soát lại hơn 400 dự án thủy điện (chủ yếu là thủy điện vừa và nhỏ), sau 1 năm thực hiện đã tiếp tục rà soát 15 dự án nữa. Hiện tại, với sự vào cuộc hiệu quả, quyết liệt của các địa phương, dự kiến có khoảng 47 dự án nữa sẽ tiếp tục được các địa phương loại bỏ. 

Bộ trưởng khẳng định, với việc hoàn thành rà soát, loại bỏ triệt để các dự án thủy điện không phù hợp với quy hoạch, đã góp phần nâng cao nhận thức của các chủ đầu tư trong việc xây dựng, vận hành, quản lý các công trình thủy điện. Điều này cũng được thể hiện rõ ở công tác kiểm định an toàn đập thủy điện thời gian qua.

Cụ  thể, hiện trong số 218 công trình thủy điện đến kỳ kiểm định, chỉ còn 8% chưa kiểm định, các  đơn vị còn lại cũng đã có lộ trình từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành công tác kiểm định. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ trì, phối hợp với các bên tham mưu cho Chính phủ hoàn thành việc rà soát, ban hành/bổ sung sửa đổi các các quy chế vận hành liên hồ chứa. Hiện Thủ tướng đã ban hành tất cả  11 quy chế vận hành liên hồ chứa (quy chế cuối cùng là về vận hành lưu vực sông Đồng Nai cũng đã được ban hành, sẽ có hiệu lực ngay đầu năm 2015).

Bên cạnh việc khẳng định một số thành công cơ bản của việc triển khai Nghị quyết 62, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. 

Cụ thể, trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội về thực trạng diện tích trồng bù rừng của thủy điện còn thấp, một số chủ đầu tư nhà máy điện chậm chi trả phí dịch vụ môi trường... Bộ trưởng cho biết: Vấn đề trồng bù rừng (do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn chủ  trì), Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp, rà soát, đánh giá lại để triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới. 

Đặc biệt, Bộ trưởng cũng thừa nhận, có thực trạng một số chủ đầu tư các công trình điện thời gian qua đã chậm (thậm chí là cố tình chây ỳ) nộp phí chi trả dịch vụ môi  trường rừng. Bộ Công Thương đã kiểm tra, rà soát kỹ trong vòng 1 năm qua và hiện đã áp dụng biện pháp tạm thời rút giấy phép hoạt động điện lực, chưa cho phát điện đối với khoảng 10 đơn vị chậm chi trả chi phí này. Các đơn vị này cũng đã cam kết sẽ sớm nộp đầy đủ chi phí dịch vụ môi trường để được cấp phép hoạt động điện lực trở lại. 

"Để có thể thực hiện thành công Nghị quyết 62 một cách triệt để, là vấn đề lâu dài chứ không phải câu chuyện một sớm một chiều, nên Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ trì, chỉ đạo các bên liên quan triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới"- Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định. 

Sẽ khắc phục, nâng cấp kịp thời hệ thống điện vùng sâu vùng xa

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Nông) về vấn đề đảm chất lượng nguồn điện một số địa bàn vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh Đăc Nông nói riêng, cũng như thực hiện đề án đưa điện về vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa nói chung theo quyết định 2081 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết:

Quyết định 2081 cuả Thủ tướng Chính phủ (ban hành tháng 11/2013) về việc phê duyệt đề án đưa điện về nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng chưa có điện có tổng kinh phí 30.000 tỷ đồng với mục tiêu đến 2020 đưa điện đến 100% số xã trong cả nước. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện đề án là con số không nhỏ nên việc triển khai sẽ không hề dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên, nhất là ngành Điện.

Riêng tỉnh Đăk Nông, những năm trước đây đã được Chính phủ quan tâm đầu tư, cấp điện thông qua chương trình cấp điện cho Tây Nguyên, (bằng 85% vốn nhà nước và 15% vốn của EVN). Chương trình này đã được ngành Điện triển khai rất tốt, EVN và các đơn vị đã đưa điện về rất nhiều thôn bản vùng sâu vùng xa của Tây Nguyên, trong đó có Đăk Nông. Tuy nhiên, do địa bàn khó khăn, trải rộng nên nhiều thôn bản vẫn chưa có điện, hoặc đã có nhưng hệ thống lưới điện được xây dựng từ lâu, chất lượng cung cấp điện thấp.

Vừa qua, căn cứ vào đề án 2081 và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tổng thể của tỉnh Đăk Nông, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh xây dựng quy hoạch điện lực riêng cho Đăk Nông. Vì vậy, Bộ Trưởng bày tỏ mong muốn đại biểu nếu phát hiện thấy địa bàn nào mạng lưới điện xuống cấp, mất an toàn, không đảm bảo cấp điện cho người dân, thì có thể phản ánh với địa phương, hoặc công ty điện lực…Từ đó, Bộ Công Thương sẽ có chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Miền Trung, EVN nghiên cứu, khắc phục kịp thời.


  • 17/11/2014 04:37
  • Vĩnh Long (ghi nhanh)
  • 2965


Gửi nhận xét