Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tại buổi đối thoại trực tuyến ngày 5/5. Ảnh: chinhphu.vn
|
Theo Bộ trưởng, để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì nhu cầu năng lượng theo Quy hoạch điện VII là rất lớn, trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch và tái tạo cho đến thời điểm này không đáp ứng được.
Dầu mỏ hiện nay mới đáp ứng được 50% nhu cầu, vẫn phải nhập khẩu. Than trong quá khứ xuất khẩu với tốc độ rất nhanh, nhưng từ năm 2011 bắt đầu phải nhập khẩu than, đến năm 2020 lượng than nhập khẩu còn lớn hơn lượng than sản xuất ra.
Năng lượng mới và tái tạo đều được quan tâm nghiên cứu và phát triển như năng lượng gió, mặt trời, sóng biển, địa nhiệt. Nhưng các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo quy mô rất nhỏ. Vừa qua, nhà máy điện gió ở Bình Thuận đi vào hoạt động, tổng công suất mới chỉ trên 30 MW, giá thành còn rất cao.
Vì vậy, “chúng tôi vẫn kiên trì theo đuổi phát triển điện hạn nhân và hy vọng sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, hy vọng vào trí tuệ của người Việt Nam và tâm huyết của đội ngũ cán bộ KHCN trong ngành Năng lượng hạt nhân, chúng ta có đủ điều kiện làm chủ được công nghệ và làm chủ được nhà máy điện hạt nhân đầu tiên có thể phát điện sau năm 2020”, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.
Về nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, ngoài việc gửi các cán bộ đi đào tạo ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Ấn Độ, Việt Nam cũng đã có phương án đào tạo trong nước. Chính phủ đã có một chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, trong đó dành khoảng 2.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng dành khoảng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách của Tập đoàn để đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Ban chỉ đạo Nhà nước về Dự án Điện hạt nhân đã giao cho các trường như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng,… phối hợp để đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân ngay tại Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng đã đồng ý giúp Việt Nam xây dựng Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân với tổng kinh phí lên tới 500 triệu USD. Trung tâm sẽ là cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các lĩnh vực về điện hạt nhân. Đây là trung tâm nghiên cứu chủ lực trong ngành năng lượng nguyên tử của Việt Nam trong tương lai.
Về vấn đề an toàn trong việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, Bộ trưởng Quân cho rằng, hiện tại chúng ta chưa có đủ kinh nghiệm để trực tiếp giám sát quá trình xây dựng. Vì vậy chúng ta sẽ thuê tư vấn giám sát nước ngoài, đặc biệt là những cơ quan có kinh nghiệm xây dựng nhà máy ĐHN trên thế giới. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng gửi các chuyên gia đi đào tạo ở nước ngoài để có đủ trình độ giám sát quá trình xây dựng nhà máy và đưa nhà máy vào vận hành.
“Nếu như không có những sự cố khủng khiếp như thảm hoạ kép động đất, sóng thần thì các nhà máy điện hạt nhân có thể nói là an toàn và kinh tế hơn so với các nhà máy điện khác”, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.