Lại một mùa hạn hán…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, tại các tỉnh miền Trung, từ đầu năm 2014 đến nay mưa ít, lượng nước thiếu hụt từ 50-90% so với lượng nước trung bình nhiều năm (TBNN), khô hạn diễn ra trên bình diện rộng, các hồ chứa không có nước bổ sung cho nhau như những năm trước. Tại các tỉnh Nam Trung bộ, lượng nước về các các hồ ở mức thấp, dung tích trung bình đạt 33%. Nhiều sông trơ đáy, người dân có thể lội qua dễ dàng. Sản xuất nông nghiệp tại vùng hạ du Vu Gia – Thu Bồn gặp nhiều khó khăn về nguồn nước.
Ông Hồ Ngọc Mẫn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, vụ Hè Thu năm nay, Đại Lộc có hơn 4.300 ha hoa màu thiếu nước trầm trọng, đối mặt với nguy cơ mất trắng. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp của địa phương với các hồ thủy điện điều tiết nước hợp lý mà vụ mùa của bà con được đảm bảo, đặc biệt nhờ đợt mưa trong tháng 7 này mà sản lượng nông nghiệp của địa phương dự đoán sẽ thu hoạch ổn định như cùng kì các năm trước.
Thủy điện A Vương xả nước mùa lũ - Ảnh: Dương Ngọc Nhơn
|
Việc điều tiết nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của đồng bào vùng hạ du lưu vực Vu Gia - Thu Bồn trong các năm qua luôn được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽgiữa Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam với các chủ hồ chứa thủy điện. Qua số liệu thống kê cho thấy, lượng nước xả về hạ du luôn cao hơn dòng chảy tự nhiên đến hồ góp phần làm giảm hạn hán, chống xâm nhập mặn cho hạ du. Theo yêu cầu cấp nước của địa phương vùng hạ du, bắt đầu từ giữa tháng 5/2014, Thủy điện A Vương phải xả 39 m3/s, Sông Tranh 2 là 110 m3/s và Đăk Mi 4 là 50 m3/s. Thời điểm xả được thống nhất nhằm đáp ứng đúng dịp mùa vụ của bà con.
Nỗ lực giảm lũ hạ du
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa cho khu vực hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn (Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, A Vương). Hiện nay, các hồ thủy điện này đang chuẩn bị vận hành Quy trình liên hồ mới. Ông Lê Đình Bản, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương cho biết, Công ty đã khẩn trương xây dựng lại Quy chế phối hợp PCLB với địa phương tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng, huyện Đại Lộc và các hồ chứa trên cùng lưu vực. Bên cạnh đó, Công ty còn dự kiến tuyên truyền, giới thiệu Quy trình mới này cho CBCNV và nhân dân hạ du Vu Gia – Thu Bồn, huyện Đại Lộc…
Bản đồ lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (Lưu vực Sông Bung – màu đỏ) - Ảnh: Công ty Thủy điện A Vương cung cấp
|
Quy trình liên hồ chứa mới có quy định về giảm lũ cho hạ du như, giảm mực nước đón lũ tại các hồ chứa trong lưu vực để tăng dung tích nước đón lũ. Theo đó,tổng dung tích phòng lũ của cả 3 hồ (A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2) từ 126 triệu m3 nước được tăng lên gần gấp 3 lần: 345,14 triệu m3 nước. Nhìn vào con số trên, cho thấy, Quy trình liên hồ chứa mới này sẽ góp phần giảm lũ cho hạ du. Tất nhiên, nếu mưa lớn xảy ra trên toàn khu vực, lượng nước dồn về hạ du Vu Gia – Thu Bồn lên đến khoảng vài tỷ m3, thì con số 345,14 triệu m3 dung tích phòng lũ của cả 3 hồ A Vương, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4 cũng là nhỏ bé.
Vấn đề cần nghiên cứu là phải tìm ra phương án hợp lý để có thể tích đủ nước các hồ cuối mùa lũ nhằm phục vụ điều tiết nước cho hạ du vào mùa kiệt. Một vấn đề nữa là dự án Thủy điện Sông Bung 4 đã tiến hành tích nước hồ chứa ngày 01/8 và chuẩn bị vận hành Nhà máy cuối tháng 9. Sông Bung với diện tích lưu vực là 2.500 km2, trong đó có sông A Vương 682 km2, trong khi đó lưu vực của Vu Gia khoảng 5.100 km2, Vu Gia – Thu Bồn là 10.000 km2. Với diện tích lưu vực khá lớn so với hệ thống Vu Gia – Thu Bồn, nhưng hồ chứa Thủy điện Sông Bung 4 đến nay mới có Quy trình vận hành đơn hồ, chưa được đưa vào Quy trình liên hồ hiện tại. Vì vậy, sắp tới cần đề nghị Bộ Tài Nguyên – Môi trường đưa hồ Sông Bung 4 (và cả Sông Bung 2) vào trong Quy trình liên hồ lưu vực Vu Gia – Thu Bồn.