Tông công ty Điện lực Miền Nam ( EVN SPC) hiện quản lý 21 tỉnh, thành phố phía Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau, trừ TP. Hồ Chí Minh) và có hơn 6,3 triệu khách hàng. Trong 7 tháng đầu năm 2014, các công ty điện lực thành viên của EVN SPC đã kiểm tra phát hiện và lập 986 biên bản vi phạm trộm cắp điện, sản lượng điện năng bồi thường là 3.496.856 kWh với tổng số tiền 9,86 tỷ đồng. Cho đến nay, các đơn vị đã xử lý được 912 vụ với điện năng bồi thường 3.095.019 kWh tương ứng số tiền là 8,75 tỷ đồng.
Đại diện EVN SPC cho biết, các thủ đoạn ăn cắp điện đã bị phát hiện và xử lý gần đây có 245 vụ tác động câu trực tiếp trước công tơ không qua hệ thống đo đếm; 532 vụ can thiệp trực tiếp vào bên trong công tơ làm sai lệch hệ thống đo đếm và 209 vụ dùng thiết bị bên ngoài như đảo sơ đồ đấu dây, dùng máy tạo dòng, dùng nam châm cực mạnh để can thiệp tác động gây ảnh hưởng không đo đủ sản lượng điện năng qua hệ thống đo đếm.
Các hành vi ăn cắp điện ngày càng tinh vi
|
Địa phương phát hiện sai phạm trong sử dụng điện nhiều nhất gồm Đồng Nai với 260 vụ, TP. Cần Thơ 122 vụ, Cà Mau 102 vụ. Trong các vụ vi phạm về sử dụng điện, các nhân viên điện lực đã phát hiện nhiều hình thức gian lận rất tinh vi.
Tại TP. Cần Thơ, khách hàng Nguyễn Thị Kim đã dùng khoan để khoan thủng công tơ điện, lượng điện phải bồi thường là 12.441 kWh, tương ứng 32,8 triệu đồng. Có khách hàng còn trộm cắp điện bằng cách lật nghiêng công tơ làm không đo đủ sản lượng điện năng, gây thất thoát 11.060 kWh, tương ứng 30, 6 triệu đồng.
Công ty Điện lực Đồng Nai phát hiện khách hàng phá chì kiểm định tác động vào công tơ đo đếm bên trong làm sai lệch hệ thống sau đó niêm lại chì giả, lượng điện phải bồi thường là 9.776 kWh, tương ứng 25,7 triệu đồng. Thậm chí, có người còn dùng máy tạo dòng tác động công tơ đo đếm không đủ sản lượng điện năng, mức điện năng bồi thường 5.758 kWh, tương ứng 23,7 triệu đồng.
Các công ty điện lực tại miền Nam cho biết, thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng sử dụng nam châm để ăn cắp điện rất khó bị phát hiện vì vật chứng vi phạm dễ phi tang, trong khi loại nam châm này đang bày bán tự do trên thị trường. Ngoài ra, hành vi phá chì kiểm định công tơ để điều chỉnh sai lệch hoặc thay thế bánh nhông truyền sau đó niêm chì lại (chì giả), chì giả giống như chì thật, mức độ vi phạm đang có chiều hướng gia tăng. Trước tình hình vi phạm trộm cắp điện diễn ra nhiều, mức độ ngày càng tinh vi, EVN SPC đã và đang thực hiện các biện pháp quản lý nhằm ngăn ngừa phòng chống vi phạm.
Hiện nay, các công ty điện lực thành viên của EVN SPC đang thường xuyên phối hợp với chính quyền, địa phương các cấp kiểm tra, xử lý, ngăn ngừa trộm cắp điện. Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về các quy định pháp luật liên quan việc xử lý trộm cắp điện. Tuy vậy, nhiều người bất chấp quy định của luật pháp đã “nghiên cứu” ra những chiêu ăn cắp điện siêu tinh vi, rất khó bị phát hiện và gây tổn thất không nhỏ cho ngành điện. |