Do thiếu dưỡng khí khi xuống hầm.
Theo thạc sĩ Hồ Thị Lan Hương - Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng), hiện tượng đóng váng trên bề mặt của hầm ủ khí biogas sau một thời gian sử dụng là do nguyên liệu nạp quá loãng nên những tạp chất nhẹ kết hợp với dầu mỡ nổi lên, tạo thành váng.
Để đảm bảo an toàn, người sử dụng không nên tự ý vệ sinh hầm mà cần báo cho kỹ thuật viên hoặc thuê xe hút bể phốt, máy bơm chuyên dụng để phá màng sinh học.
Nếu tự xử lý, người sử dụng cần phải mở nắp hầm ủ khí một thời gian dài, để khí mêtan bay hết. Sau đó, dùng cây sào luồn qua lối ra, hoặc lối vào để phá màng sinh học, và bơm nước vào để đẩy màng ra.
Ảnh minh họa
|
Cũng có thể lấy nước từ bể điều áp đổ vào bể đầu vào nhằm cấy thêm vi khuẩn sinh khí, phá màng sinh học. Với trường hợp váng quá dày, nên mua men vi sinh để phá. Khi chọn men vi sinh cần lưu ý chọn loại men trong thành phần có nhiều vi khuẩn phân hủy xenlulozo. Tuy nhiên, sử dụng loại men này để phá váng, thời gian đầu lượng khí gas vẫn lên rất ít, một thời gian ngắn sau mới lên đều.
Để ngăn sự tạo váng, các gia đình nên xây thêm bể nạp. Bể nạp này cần có nắp đậy, ngăn giữa bể nạp và bể phân giải (bể chính). Trước khi nạp nguyên liệu vào bể chính, cần khuấy đều phân và nước, sau đó mở nắp cho nguyên liệu nạp chảy vào bể phân giải.
Tỷ lệ pha loãng cũng cần chú ý: Không nên nạp quá nhiều nước vì sẽ nhanh tạo váng. Với phân động vật, chỉ nên pha loãng tối đa theo 1 phân – 3 nước.
Ngày 23/1/2014, phát hiện hầm biogas bị nghẹt, ít khí lên, ông Nguyễn Đình Thạch (Phường 7, thành phố Tân An, tỉnh Long An) xuống hầm kiểm tra đã tử vong do hít phải khí độc.
Ngày 8/2/2006, tại xã Xuân Khuê, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, ông Lê Đình Thạch khi xuống hầm biogas để phá váng đã bị nhiễm độc dẫn đến bất tỉnh. Con trai ông và 2 người hàng xóm nhảy xuống để cứu nhưng vì khí độc trong hầm quá nhiều, nên cả 4 người cùng tử vong.
Lưu ý khi xuống hầm biogas:
- Thử xem dưới hầm có khí độc không: Thắp một ngọn đèn cầy (nến), thòng dây thả dần xuống sát mặt nước dưới đáy hầm, nếu ngọn nến vẫn sáng bình thường chứng tỏ không khí dưới đáy hầm đủ oxy để thở. Ngược lại, nếu ngọn nến chỉ cháy leo lét rồi tắt, chứng tỏ hầm thiếu oxy, có nhiều khí CO2 và các khí độc khác.
- Làm thông thoáng khí dưới đáy hầm: Cắt một cành cây to nhiều lá buộc dây dài thả xuống đáy, rút lên thả xuống nhiều lần, hoặc bơm khí để tạo sự thông thoáng, trao đổi ôxy trước khi xuống hầm.
- Khi xuống hầm nên đeo dây bảo hiểm và phải có người ở trên miệng hầm sẵn sàng kéo lên khi có sự cố.
Yêu cầu khi sử dụng hầm biogas:
- Nguồn phân, nước phân sử dụng không pha trộn các hóa chất.
- Phân thải cần được nạp đều đặn hằng ngày.
- Định kỳ 6 tháng vét bã trên tầng áp lực một lần.
- 5 năm vét bã trong tầng hầm chứa gas một lần.
- 10 năm vét hầm một lần.
|