Ảnh minh họa
|
Lợi bất cập hại
Theo Th.s. Vũ Thu Hà, phụ huynh không sai khi cho trẻ em tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, sai lầm ở chỗ, nhiều phụ huynh không kiểm soát thời gian trẻ sử dụng; thậm chí có người còn dùng điện thoại, ipad, máy tính... để “trông con”, dỗ con...
“Rất nhiều phụ huynh, con lười ăn, mang điện thoại ra mồi; con khóc mang điện thoại ra dỗ; tranh thủ làm việc nhà, bật máy tính cho con chơi... Những việc làm này đã vô tình tạo cho trẻ một thói quen không tốt, khi nào muốn chơi điện tử, các bé lại “giở trò”, bà Hà chia sẻ.
Bà Hà cho biết, tuy các thiết bị điện tử có thể kích thích trí thông minh cho trẻ, nhưng nếu không kiểm soát thời gian, nội dung truy cập, nó sẽ phản tác dụng. Từ 2-15 tuổi, trẻ đang phát triển về trí não, nhân cách và hành vi. Giai đoạn này, các giác quan của trẻ cần được phát triển một cách toàn diện. Trong khi đó, các sản phẩm công nghệ chỉ đáp ứng thị giác và thính giác còn các giác quan khác gần như không có cơ hội phát triển. Chính vì vậy, nếu trẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử, sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, dẫn đến sự phát triển lệch lạc, nhất là những trẻ thường xuyên xem phim hoặc chơi các game bạo lực. Ngoài ra, trẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử sẽ gia tăng dấu hiệu trầm cảm, suy giảm khả năng tự điều chỉnh, khả năng tập trung và trí nhớ; ảnh hưởng đến sức khỏe, các rối loạn về mắt như cận thị, loạn thị...
Giám sát chặt chẽ
Theo Ths. Vũ Thu Hà, các bậc phụ huynh phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ về nội dung cũng như thời gian khi trẻ sử dụng các thiết bị điện tử. Với trẻ dưới 2 tuổi, chưa nên cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử; trẻ 3-6 tuổi chỉ 20-30 phút/ngày và với trẻ lớn hơn, dưới 2 tiếng/ngày. Hơn nữa, chỉ nên cho trẻ sử dụng 2-3 lần/tuần, nếu ngày nào cũng sử dụng, trẻ rất dễ bị nghiện.
“Những trẻ chơi các game bạo lực, một khi đã bị nghiện và nếu không được can thiệp kịp thời, rất dễ nhiễm các hành vi bạo lực. Lúc này, nếu không được đáp ứng đúng nhu cầu, trẻ trở nên hung hăng, dùng bạo lực để chống đối”, bà Hà khuyến cáo.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng phải thường xuyên hướng dẫn, định hướng nội dung cho trẻ khi sử dụng các thiết bị điện tử; kịp thời thay thế trò chơi không phù hợp bằng ứng dụng mang tính giáo dục, có ích; tránh cho trẻ truy cập vào ứng dụng không phù hợp, trò chơi bạo lực hay website không lành mạnh...
Nếu trẻ có dấu hiệu nghiện, các bậc phụ huynh cần dành thời gian để nói chuyện, giúp trẻ hiểu được những tác hại khi tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử; đồng thời hạn chế tối đa, thậm chí cắt hẳn “nguồn” gây nghiện.
Viện Nghiên cứu Y khoa trẻ em Mỹ và Hội Y khoa Canada đưa ra 10 lý do nên cấm trẻ dưới 12 tuổi chơi các thiết bị điện tử: Ảnh hưởng đến sự phát triển của não; chậm phát triển; dễ mắc bệnh béo phì; mất ngủ; bệnh tâm thần; thích gây hấn; chứng mất trí nhớ kỹ thuật số; nghiện công nghệ; bức xạ và không bền vững. |