Để bình nóng lạnh không thành... Bom

Theo các chuyên gia, nguy cơ cháy nổ ở các bình nóng lạnh không nhiều vì các loại  sản phẩm này trên thị trường hiện nay phần lớn đều có lắp đặt thiết bị có tính năng an toàn cao. Tuy nhiên, nếu người dùng chủ quan trong lắp đặt và sử dụng thì bình nóng lạnh có nguy cơ trở thành “quả bom” trong nhà.

Chiều ngày 26/5/2014, tại phố Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai, Hà Nội, có một tiếng nổ lớn phát ra từ nhà bà Mai Kim Lan. Ngay sau đó, nguyên nhân của vụ nổ được xác định là do bình nóng lạnh. Bà Lan kể lại, sau khi bật nước nóng để chuẩn bị tắm, được khoảng chưa đầy 15 phút bình bỗng phát nổ, nước chảy lênh láng. Cũng may, lúc bình nóng lạnh phát nổ, không có ai sử dụng trong nhà tắm.

TS Trần Văn Thịnh – Viện Điện – Đại học Bách Khoa Hà Nội giải thích nguyên nhân của những vụ nổ bình nóng lạnh gần đây: Nếu bình nóng lạnh có hiện tượng nổ như bom thì chỉ có thể là do hỏng  bộ cảm biến và điều khiển nhiệt độ -  rơ le nhiệt. Bình thường khi nhiệt độ trong bình đạt 800C thì rơ le nhiệt tự động ngắt không cấp điện cho thanh gia nhiệt. Tuy nhiên, do hỏng bộ cảm biến và điều khiển nhiệt độ nên nước cứ thế tiếp tục sôi hơn 800C và sinh ra nhiều hơi. Với lượng hơi tiếp tục tăng như vậy, chỉ sau khoảng 20 phút là bình phát nổ.

Ảnh minh họa

Giải pháp an toàn

Bình nóng lạnh là thiết bị hữu dụng trong mỗi gia đình, nhưng sau một thời gian dài sử dụng không thể không tránh khỏi những sự cố hư hỏng: hỏng gioăng, máy nước nóng không vào nguồn, rò điện, rỉ nước… thậm chỉ là nổ bình. Chính vì vậy, để hạn chế những trường hợp không mong muốn xảy ra, các chuyên gia có một số lời khuyên:

1. Sử dụng hàng chính hãng

Những hàng kém chất lượng sẽ rất dễ gây dò điện, nước không nóng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của các thành viên trong gia đình. Bạn nên chọn các loại máy uy tín, thời gian bảo hành dài và có tính năng an toàn.

2. Không tự ý lắp đặt

Phần lớn những sự cố hỏng hóc thường có nguyên nhân từ việc người tiêu dùng tự ý lắp đặt. Việc lắp đặt bình nóng lạnh không khó, tuy nhiên sẽ thật sự là vấn đề nan giải nếu bạn không nắm vững về những yêu cầu kỹ thuật. Bạn nên lựa chọn loại dây dẫn công suất phù hợp và chất lượng để tránh bị quá tải, dẫn đến sự cố cháy chập điện.

3. Kiểm tra định kỳ

Mỗi tuần 1 lần, bạn nên kiểm tra bằng bút thử điện xem máy có hiện tượng rò điện không?
Vệ sinh bình nóng lạnh (đầu vòi sen, nguồn cấp nước) mỗi tháng 1 lần.
Nếu nước có dấu hiệu bị nhiễm phèn, bạn nên súc rửa để tránh hiện tượng bị gỉ sét hay dò điện.
 


  • 03/10/2014 10:28
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 31423


Gửi nhận xét