Chống quá tải cho lưới điện cao thế Hà Nội

Việc bảo đảm an ninh năng lượng cho Thủ đô Hà Nội được Chính phủ, Bộ Công thương cũng như các đơn vị thuộc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, trong đó nhiệm vụ cấp bách phải hoàn thành các đường dây (ĐZ) và trạm biến áp (TBA) 220 kV. Tuy nhiên, những khó khăn trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến một số dự án 220 kV quan trọng của Hà Nội liên tục lỡ hẹn.

 Nghiệm thu,  đóng điện Trạm 110kV Nhật Tân - Nguồn ảnh: EVN HANOI

Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, về giải phóng mặt bằng, song EVN luôn chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) bằng mọi giá phải hoàn thiện và đóng điện ÐZ 220 kV Sóc Sơn - Vân Trì và TBA 220 kV Vân Trì.

Vừa qua, hai công trình 220 kV quan trọng trên đã được chính thức đóng điện. Nhờ đó, Hà Nội sẽ được bổ sung công suất đặt của máy biến áp (MBA) 220 kV là 500 MVA, tương đương 17% lượng công suất đặt hiện có, tạm thời bảo đảm cấp điện cho nhu cầu phụ tải của Hà Nội năm 2013.

Trước mắt, TBA 220 kV Vân Trì được lắp đặt 1 MBA 220 kV-250 MVA và 1 máy 110 kV-63 MVA. Ngay sau khi đóng điện, EVN NPT đã bắt đầu chuyển ngay một MBA 220 kV và 110 kV thứ hai để lắp đặt tại trạm.

Giám đốc Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc (AMB) - Phan Lương Thiện cho biết, TBA 220 kV Vân Trì (giai đoạn 1) đi vào vận hành có ý nghĩa lớn, bảo đảm cấp điện cho các khu công nghiệp công nghệ cao ở phía bắc Thăng Long. Ðể bảo đảm liên kết lưới điện Hà Nội tạo thành mạch vòng, nhất là từ phía bắc xuống phía nam, đông nam, EVN NPT đang tích cực triển khai ÐZ 220 kV Vân Trì - Chèm, tạo kết nối lưới 220 kV từ TBA 220 kV Vân Trì đến TBA 220 kV Hà Ðông, TBA 500 kV Thường Tín...

Về lưới điện 100 - 500 kV của Hà Nội năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Trưởng phòng Thẩm định AMB - Lê Văn Vương giải thích, theo sơ đồ này thì TBA 220 kV GIS Thành Công có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. AMB hoàn thành lắp đặt 2 trong 3 máy biến áp (MBA) 110 kV, đang chuẩn bị lắp 2 MBA 220 kV. ÐZ 220 kV Hà Ðông - Thành Công, dài hơn 11 km, trong đó khoảng 4,5 km đi ngầm cũng được triển khai nhưng gặp nhiều khó khăn do đi qua nhiều khu dân cư trong nội thành. Nếu có đủ mặt bằng cho ÐZ 220 kV Hà Ðông - Thành Công thì sang năm 2014, AMB có thể hoàn thành cả ÐZ này và TBA 220 kV Thành Công - một TBA 220 kV lõi nội thành Hà Nội.

Phó tổng giám đốc EVN - Ðặng Hoàng An cho rằng, suốt 10 năm qua, nhu cầu phụ tải Hà Nội liên tục tăng cao, nhưng do khó khăn về mặt bằng mà Hà Nội mới chỉ có TBA 220 kV Vân Trì được xây dựng mới và đi vào hoạt động.

Theo kế hoạch, Hà Nội cần sớm đưa vào vận hành các TBA 220 kV Tây Hồ, Long Biên, Ðông Anh từ nay đến năm 2015 và giai đoạn 2016-2020 là các TBA 220 kV Ứng Hòa, Mê Linh, Văn Ðiển. Hai công trình 220 kV tuy gặp khó khăn, nhưng cũng đã vận hành, trong khi đó, có TBA 220 kV Tây Hồ và ÐZ 220 kV Chèm - Tây Hồ (Tổng công ty Ðiện lực TP Hà Nội - EVN HANOI làm chủ đầu tư) đã được phê duyệt từ cuối năm 2009, có vai trò quan trọng, mang tính cấp bách, song đến nay vẫn chưa có mặt bằng thi công. Trong đó, ÐZ 220 kV Chèm - Tây Hồ "long đong lận đận" khi ban đầu, ÐZ này (dài hơn 4 km) dự kiến đi ngầm 3,75 km, nay phải chuyển lại thành đi ngầm chỉ 200 m, còn lại là đường dây trên không 3,8 km.

Sở dĩ có tình trạng này là do năm 2009, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo thực hiện hạ ngầm tuyến ÐZ 220 kV theo đề xuất của INDECO. Theo đó, INDECO xin hạ ngầm ÐZ 110 kV của các lộ ÐZ Chèm - Bờ Hồ và Chèm - Nhật Tân. ÐZ 110 kV hạ ngầm được đặt trong tuy-nen cáp ngầm trên vỉa hè đường quy hoạch Bắc Cổ Nhuế - Chèm đến cầu Nhật Tân. Trong hào cáp có vị trí đặt cáp ngầm 220 kV. Kinh phí xây dựng hào cáp và GPMB do INDECO đầu tư. EVN HANOI đầu tư và lắp đặt phần cáp ngầm 220 kV.

Qua rất nhiều lần EVN HANOI trao đổi, thúc giục, họp bàn, đôn đốc, thậm chí báo cáo bằng văn bản lên UBND TP Hà Nội, các sở, ban, ngành liên quan song gần bốn năm qua, đơn vị thi công là Công ty INDECO vẫn chưa thể bàn giao tuy-nen cáp ngầm cho EVN HANOI. Do vậy, đến cuối tháng 10-2012, TP Hà Nội chấp thuận cho EVN HANOI điều chỉnh phương án từ ngầm sang đường dây trên không. Ðược biết, UBND TP Hà Nội đã nhiều lần, nhất là cuối năm 2012, quyết liệt chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương liên quan vào cuộc để bàn giao mặt bằng xây dựng TBA 220 kV Tây Hồ cho chủ đầu tư (tháng 11-2012) nhưng chưa có kết quả cuối cùng.  

Ðối với Dự án TBA 220 kV Tây Hồ (Phú Thượng, quận Tây Hồ), đến nay, mới chỉ có 3/32 hộ dân nhận tiền đền bù; có 17/32 hộ cũ có quyết định thu hồi (điều chỉnh) và đang điều chỉnh phê duyệt phương án của 17 hộ này. Trong số 32 hộ cũ có 5 hộ đã có quyết định thu hồi và hiện UBND quận Tây Hồ đang thẩm tra phương án đền bù. 10/32 hộ đang vướng mắc trong việc xác nhận nguồn gốc đất, chưa kể 6 hộ phát sinh thêm. Dự kiến trong tháng 3 này, quận Tây Hồ ra quyết định và phương án đền bù công khai, BQLDA sẽ trả tiền đền bù cho 17 hộ nói trên. Dự án TBA 220 kV Tây Hồ đã mua sắm máy biến áp 220 kV, nhưng do chưa triển khai được nên đã được điều chuyển cho EVN NPT lắp cho TBA 220 kV Hải Dương.

Giám đốc Ban quản lý Dự án Lưới điện EVN HANOI - Nguyễn Danh Duyên, bức xúc, nhìn vào sơ đồ thấy lưới điện khu vực trung tâm Hà Nội đang nguy cơ quá tải lớn vì TBA 220 kV Thành Công chưa đi vào vận hành. Ðiện cấp cho Hà Nội không thiếu nguồn, nhưng lưới điện Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu, điện từ Thủy điện Sơn La muốn về đến Hà Nội vẫn phải "lòng vòng" qua các TBA 500 kV. Lẽ ra, TBA 220 kV Tây Hồ và ÐZ 220 kV Chèm-Tây Hồ đã phải đưa vào vận hành từ năm 2012. Ðành rằng, việc GPMB phải tuân theo các trình tự, thủ tục, nhưng việc GPMB mỗi một vị trí cột trên cả tuyến đường dây cũng đủ các thứ giấy tờ như GPMB một khu đô thị khiến cả dự án bị chậm trễ.

Rõ ràng, việc bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định và liên tục là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, trong đó việc sớm đưa vào vận hành các công trình ÐZ và TBA 220 kV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trực tiếp và thiết thực. Vì vậy, mong rằng UBND TP Hà Nội và các quận, huyện liên quan cần vào cuộc khẩn trương hơn nữa, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, có các cơ chế, chính sách đẩy nhanh tiến độ GPMB để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình ÐZ và TBA 220 kV cấp bách này.


  • 08/04/2013 04:07
  • Theo Báo Nhân Dân
  • 3698


Gửi nhận xét