Hồi sinh rừng từ phí dịch vụ môi trường
Ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 3 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động ở Bắc Trà My (Trà Linh 3, Tà Vi, Sông Tranh 2) chỉ có duy nhất Thủy điện Sông Tranh 2 đóng phí dịch vụ môi trường rừng đầy đủ, với tổng số lên đến gần 24 tỷ đồng (theo tỷ lệ 20 đồng/kWh điện thương phẩm).
Từ nguồn tiền này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Nam tiến hành chi trả cho các hộ trong vùng thủy điện, giúp bà con trồng mới, khoanh nuôi bảo vệ, chăm sóc rừng nhằm phục hồi lại diện tích rừng bị mất hoặc bị còi cọc do việc xây dựng thủy điện. Trước mắt, quỹ này sẽ phục hồi diện tích lưu vực Sông Tranh 2 khoảng 16.000ha.
Những cánh rừng khu vực Bắc Trà My (Quảng Nam) được hồi sinh nhờ phí dịch vụ môi trường của Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh CTV
|
Theo UBND huyện Bắc Trà My, phí dịch vụ môi trường rừng là nguồn quỹ hữu ích nhằm phục hồi rừng, thể hiện trách nhiệm của chủ đầu tư thủy điện đối với môi trường nơi dự án đang triển khai. Ngoài ra, việc phục hồi rừng còn góp phần tạo ra sinh kế cho người dân địa phương.
“Việc chi trả phí dịch vụ môi trường của chủ đầu tư thủy điện và việc gắn kết trách nhiệm lâu dài trong khoanh nuôi, bảo vệ rừng của người dân ở các lưu vực sẽ nhằm giúp cho nhiều diện tích rừng được hồi sinh, môi trường được cải thiện. Đây là việc làm rất tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường bền vững” - ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My chia sẻ.
Trồng bù rừng bị mất
Ông Vũ Đức Toàn - Phó Ban quản lý Dự án Thủy điện 3 (chủ đầu tư Thủy điện Sông Tranh 2) cho biết, ngoài việc đóng phí dịch vụ môi trường đầy đủ, Ban đang xúc tiến trồng bù lại các diện tích rừng bị thiệt hại.
Cũng theo ông Toàn, phương án trồng bù 400 ha rừng (trong 10 năm) bị thiệt hại ở Thủy điện Sông Tranh 2 của đơn vị đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Kinh phí trồng bù diện tích rừng này khoảng 21,4 tỷ đồng đã được chủ đầu tư bố trí sẵn.
Chủng loại cây được trồng bù chủ yếu là cây sao đen, loại cây có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở vùng Trà My. “Việc trồng mới sẽ tiến hành ngay trong năm nay và năm 2014, 8 năm tiếp theo sẽ tiến hành khoanh nuôi, bảo vệ,đảm bảo góp phần trả lại nguồn rừng như ban đầu trước khi triển khai dự án thủy điện này”- ông Toàn nói.
Cũng theo ông Toàn, việc trồng bù rừng và khoanh nuôi bảo vệ sẽ tạo nhiều cơ hội cho người dân sở tại có việc làm, có thu nhập trong lúc nông nhàn bởi công việc này không yêu cầu lao động phải có trình độ chuyên môn cao. Đồng thời, lợi ích sinh kế và trách nhiệm bảo vệ rừng về lâu dài của người dân cũng sẽ được gắn kết và nâng cao.