Phóng viên (PV): Ông cho biết rõ hơn những điểm mới của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13?
Ông Ninh Viết Định
|
Ông Ninh Viết Định: Về cơ bản, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đã bổ sung thêm một số quy định chi tiết khi triển khai thực hiện và công cụ kiểm soát, chế tài cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại, từ đó tạo môi trường minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đấu thầu.
Luật Đấu thầu mới nhấn mạnh đến hiệu quả kinh tế là tiêu chí cao nhất trong các quy định về lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, mục tiêu của Luật Đấu thầu mới còn nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong đấu thầu và tập trung vào yếu tố con người trong quá trình thực thi Luật.
Có thể khẳng định, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đã cơ bản tháo gỡ những vướng mắc trong lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn nhà nước, góp phần hình thành và hoàn thiện cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường, từng bước giúp kinh tế Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
PV: Đối với các dự án điện, những điểm mới của Luật có tác động thế nào trong đấu thầu, thưa ông?
Ông Ninh Viết Định: Cùng với phạm vi điều chỉnh rộng và bao quát tất cả các lĩnh vực mua sắm công, Luật Đấu thầu đã tạo dựng nền tảng pháp lý và cơ sở khoa học thuận lợi cho EVN nâng cao hiệu quả công tác mua sắm công trong cả lĩnh vực đầu tư phát triển, sản xuất - kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Việc ban hành Quy chế về quản lý Đấu thầu của Tập đoàn (Quyết định 600/QĐ-EVN ngày 4/9/2014) trong hệ thống hơn 100 Quy chế quản lý nội bộ của EVN là bước đi cụ thể, thực hiện mục tiêu nêu trên. Đây cũng là một trong những bước đi nằm trong kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án Đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động do Chính phủ giao cho EVN thực hiện.
PV: Thời gian qua, dư luận có ý kiến về việc, các gói thầu EPC của ngành Điện (đặc biệt là các dự án nhiệt điện) phần lớn do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu, triển khai. Quan điểm của ông ra sao và Luật Đấu thầu mới có tác động như thế nào đến việc lựa chọn các nhà thầu EPC các dự án điện?
Ông Ninh Viết Định: Thời gian qua, EVN đã được Chính phủ tạo điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn, bao gồm vốn vay ưu đãi ODA từ các chính phủ và tổ chức quốc tế như Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Trong một giới hạn nhất định, chính sách cung cấp vốn của bên cho vay đã tác động đến quy trình và thủ tục lựa chọn nhà thầu.
Về nhà thầu Trung Quốc, họ đã tận dụng được thế mạnh bùng nổ kinh tế tại Trung Quốc những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ vốn từ Chính phủ Trung ương Trung Quốc để khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, nguồn lực ra nước ngoài. Nguồn vốn huy động từ Trung Quốc thời gian qua đã góp phần tích cực cho việc phát triển các công trình điện. Việc tham gia của các nhà thầu Trung Quốc trong ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao hơn, nhưng về tổng thể dài hạn, EVN vẫn chú trọng đa dạng hóa trong huy động vốn từ tất cả các nguồn khi có cơ hội.
Vì vậy, ngoài nhà thầu Trung Quốc, rất nhiều các nhà thầu và công nghệ từ các quốc gia có trình độ công nghệ tiên tiến khác như các nước thuộc G7 (Nhật, Mỹ, Đức, Pháp, Anh), Nga, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Hàn Quốc… đã và đang tham gia các dự án tại EVN.
Việc lựa chọn nhà thầu và quản lý nhà thầu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng cũng có những yêu cầu riêng. Tại EVN, các hợp đồng ký với tất cả các nhà thầu đều được soạn thảo trên cơ sở các mẫu hợp đồng tiên tiến nhất, áp dụng rộng rãi trên thế giới và có sự tư vấn từ các chuyên gia chuyên ngành trong nước và quốc tế. Tuy vậy, đối với mỗi hợp đồng và nhà thầu khác nhau, đòi hỏi chủ đầu tư phải có những giải pháp quản lý riêng sao cho phù hợp. Đối với các dự án điện, EVN chú trọng đến khâu quản lý chất lượng và tiến độ thực hiện.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2 do nhà thầu Trung Quốc thực hiện - Ảnh Vũ Lam
|
PV: Vậy trong thời gian tới, EVN có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả của hoạt động đấu thầu?
Ông Ninh Viết Định: Để thực hiện Luật Đấu thầu mới, nâng cao hiệu quả quản lý đấu thầu, thời gian tới EVN sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định nội bộ. Trong đó, Quy chế về quản lý đấu thầu được cập nhật phù hợp với Luật Đấu thầu mới và điều kiện mới của EVN; Tổ chức tập huấn, phổ biến Luật Đấu thầu mới và Quy chế của EVN đến tất cả các đơn vị thành viên.
Đồng thời, EVN sẽ triển khai các đề án và nhiệm vụ cụ thể trong chương trình củng cố hệ thống quản lý 5H (chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa, quy trình hóa, mẫu hóa và tin học hóa) trong quản lý đấu thầu của Tập đoàn như, cập nhật, hoàn thiện và ban hành các quy trình, các hướng dẫn sử dụng các mẫu trong đấu thầu; hoàn thiện từng bước phương thức đấu thầu mua sắm qua mạng, mua sắm tập trung; tổng kết rút kinh nghiệm thực hiện mô hình EPC, từ đó, đề ra các giải pháp từng bước phi EPC trong quản lý đầu tư…
Tại khoản 2 điều 3 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định: “Trường hợp lựa chọn nhà thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nhà nước; thực hiện gói thầu thuộc dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất của nhà đầu tư được lựa chọn thì doanh nghiệp phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”. Như vậy, việc ban hành quy chế trong doanh nghiệp là việc làm cần thiết và bắt buộc phải có đối với một số lĩnh vực hoạt động. Vì vậy, trong thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quy chế về công tác đấu thầu và vận hành trang thông tin điện tử đấu thầu một cách hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!