Công tơ điện tử Việt Nam: Thành công bước đầu

Hơn 10 năm nghiên cứu và chế tạo, sản phẩm công tơ điện tử do Trung tâm Sản xuất Thiết bị Đo điện tử Điện lực miền Trung - CPC EMEC (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung) sản xuất đã có được vị trí xứng đáng ở thị trường Việt Nam. Đi tìm bí quyết thành công của sản phẩm mang thương hiệu “made in Việt Nam”, Tạp chí Điện lực đã có cuộc trao đổi với ông Thái Thành Nam – Phó giám đốc CPC EMEC.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, vì sao Trung tâm lại chọn công tơ điện tử (CTĐT) để nghiên cứu chế tạo?
 
Ông Thái Thành Nam: Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao. Các sản phẩm điện tử nhập khẩu vào Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm thuộc lĩnh vực đo lường, nếu chưa qua khâu nhiệt đới hóa đều hoạt động không ổn định dẫn đến độ chính xác không cao. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, từ năm 2001, CPC EMEC (được thành lập từ ngày 1/7/2015 trên cơ sở tách ra từ Trung tâm Công nghệ Thông tin Điện lực miền Trung) đã tiến hành nghiên cứu và chế tạo CTĐT, đặc biệt chú trọng đến khâu nhiệt đới hóa các chi tiết điện tử. Trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, dù gặp nhiều khó khăn và không ít lần thất bại, đến năm 2003, CPC EMEC đã cho ra đời hai dòng sản phẩm CTĐT một pha và ba pha đầu tiên, khẳng định nội lực của ngành Điện Việt Nam hoàn toàn có thể tự chủ trong việc hiện đại hóa lưới điện và hệ thống đo đếm.
 
Tất cả các sản phẩm CTĐT do CPC EMEC sản xuất đều được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam (TĐC) phê duyệt mẫu phương tiện đo và cấp phép sản xuất hàng loạt; được tổ chức Đo lường Chất lượng Sản phẩm Điện tử quốc tế (SET) kiểm tra và cấp chứng nhận sản phẩm tương thích trường điện từ (EMC), một chỉ tiêu quan trọng để chứng minh cho tính chính xác và độ ổn định của thiết bị hoạt động trong điều kiện khí hậu khác nhau.
 

Ông Thái Thành Nam (thứ hai từ phải sang) đại điện cho CPC EMEC nhận Bằng khen tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Đo lường toàn quốc lần thứ VI  - Ảnh: CPC EMEC cung cấp

 
PV: Đâu là điểm khác biệt lớn nhất giữa CTĐT Việt Nam do CPC EMEC sản xuất với các sản phẩm khác? 
 
Ông Thái Thành Nam: Năm 2009, CPC EMEC đã cho ra đời CTĐT tích hợp hệ thống đọc chỉ số từ xa (DT01P-RF, DT03PRF, DT01P80, DT01P60…) với ưu điểm vượt trội đã được triển khai trên diện rộng của tất cả các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Sản phẩm hoạt động chính xác, ổn định, đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa khâu đo đếm, tăng năng suất lao động và được đánh giá là sản phẩm mang thương hiệu “made in Việt Nam”. Do làm chủ hoàn toàn công nghệ đã giúp cho sản phẩm được nội địa hóa đến 70%, các linh kiện, phụ kiện quan trọng khác đều được nhập khẩu trực tiếp từ những nhà sản xuất uy tín hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan... đảm bảo độ an toàn và tin cậy.
 
Đồng thời, sản phẩm được trải qua nhiều công đoạn thí nghiệm, hiệu chỉnh và lắp ráp hoàn thiện. Trong đó, công đoạn già hoá và nhiệt đới hoá sản phẩm có ý nghĩa quan trọng, để kiểm tra khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt, bất thường về cường độ dòng điện, nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khác của môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa tại Việt Nam. Với tuổi thọ trên 15 năm, những chiếc CTĐT này có giá thành cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu. Đây chính là điểm mạnh của công tơ điện tử do CPC EMEC sản xuất.
 
PV: Đến nay, sản phẩm công tơ điện tử nào do CPC EMEC sản xuất được đánh giá là tốt nhất, thưa ông?
 
Ông Thái Thành Nam: Hiện nay, các nước phát triển trên thế giới có xu hướng sử dụng công tơ thông minh và thiết bị đo đếm phục vụ lưới điện thông minh. Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi lộ trình phát triển lưới điện thông minh đã được Chính phủ phê duyệt. Để phục vụ thị trường điện và lưới điện thông minh, ngoài tính năng cơ bản là đo đếm thì mỗi công tơ điện tử là hợp bộ đo lường tích hợp khả năng cảnh báo sự cố bất thường, giám sát phụ tải, cung cấp cho khách hàng công cụ để cùng ngành Điện giám sát chất lượng điểm đo, nhằm minh bạch hóa công tác đo đếm. 
 
Nắm bắt được nhu cầu đó, CPC EMEC đã nghiên cứu và sản xuất thành công dòng sản phẩm CTĐT 3 pha nhiều biểu giá tích hợp công nghệ đọc chỉ số từ xa (RF-SPIDER). Với đặc tính là độ tin cậy cao, ghi nhận điện năng theo nhiều biểu giá trong ngày, thu thập dữ liệu từ xa, tích hợp các tính năng cảnh báo và ngăn ngừa các trường hợp gian lận điện năng như kết nối sai pha, đảo ngược cực tính… là một thành phần không thể thiếu trong công tác kinh doanh điện năng. Sản phẩm được nhận Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC 2014) và Giải nhì Giải thưởng Khoa học Công nghệ Đo lường năm 2015.
 

Công nhân Điện lực Lý Sơn lắp đặt công tơ điện tử đọc chỉ số từ xa trên huyện đảo - Ảnh Nguyễn Hà

 
PV: Mục tiêu phát triển việc nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng CTĐT của CPC EMEC trong thời gian tới là gì, thưa ông? 
 
Ông Thái Thành Nam: Đầu năm 2011, Xưởng sản xuất thiết bị đo điện tử của CPC EMEC đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sản xuất với năng lực thiết kế 500.000 đến 1.000.000 sản phẩm CTĐT các loại. Đến nay, đơn vị đã cung cấp cho thị trường miền Trung - Tây nguyên trên 1,3 triệu CTĐT. 
 
Bên cạnh đó, trên cơ sở phân tích nhu cầu thị trường, đối thủ cạnh tranh, CPC EMEC còn xác định mở rộng thị trường miền Bắc, miền Nam; từng bước xuất khẩu sang các nước ASEAN với sản lượng 1,5 triệu đến 2,0 triệu CTĐT/năm và các giải pháp đo xa tự động phù hợp chủ trương hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng cũng như lộ trình xây dựng hệ thống lưới điện thông minh của EVNCPC và Đề án “Phát triển công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu từ xa” của EVN. Công tác bán hàng, sau bán hàng cũng được CPC EMEC thường xuyên quan tâm, không ngừng cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung cấp, giá cả cạnh tranh, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, lấy sự hài lòng của khách hàng là mục tiêu phát triển.
 
PV: Xin cảm ơn ông! 
 
Ông Lê Thanh Tùng – Giám đốc Điện lực Lý Sơn – Công ty Điện lực Quảng Ngãi: Chưa có bất kỳ khách hàng nào khiếu nại về việc sử dụng công tơ điện tử
 
Từ khi có điện lưới quốc gia (tháng 9/2014) đến nay, Điện lực Lý Sơn đã lắp đặt 5.000 CTĐT sử dụng công nghệ đọc chỉ số từ xa. Việc sử dụng sản phẩm này đã mang lại hiệu quả thiết thực, đó là thu thập toàn bộ dữ liệu mọi lúc, mọi nơi, giảm số lượng nhân công ghi chỉ số công tơ, kịp thời phát hiện và nhanh chóng xử lý sự cố. Đồng thời, khách hàng hoàn toàn chủ động trong việc giám sát sản lượng điện tiêu thụ hàng giờ, hàng ngày… Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn chưa xảy ra bất kỳ một trường hợp khiếu kiện, khiếu nại nào liên quan đến việc sai chỉ số công tơ.
 
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Giám đốc Phụ trách Công ty Điện lực Quảng Nam: Đẩy mạnh ứng dụng công tơ điện tử, góp phần nâng cao năng suất lao động
 
Công ty Điện lực Quảng Nam bắt đầu triển khai lắp đặt CTĐT để bán điện cho khách hàng từ năm 2011. Đến tháng 6/2015, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã lắp đặt hơn 70.000 CTĐT đọc chỉ số qua sóng vô tuyến RF, giúp tăng năng suất lao động, giảm đáng kể nhân lực ghi và nhập chỉ số. Vì vậy, trong thời gian tới, Công ty Điện lực Quảng Nam sẽ đẩy nhanh việc lắp đặt và sử dụng CTĐT, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động. 
 
6 tháng đầu năm 2015:
- CPC EMEC đã sản xuất và bàn giao đến các đơn vị trong ngành Điện 1.300 CTĐT 1 pha và 20.000 CTĐT 3 pha.
- EVNCPC đã lắp đặt 161.188 CTĐT 1 pha và 10.282 CTĐT 3 pha. Đến nay, toàn EVNCPC đã lắp đặt hơn 1,1 triệu CTĐT (chiếm 30% khách hàng).
 


  • 13/10/2015 09:33
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 6978


Gửi nhận xét