Khắc phục hoàn cảnh
Có lẽ chưa năm nào hiện tượng thời tiết bất thường lại diễn ra trên diện rộng như vậy, từ hiện tượng xâm nhập mặn ở miền Nam, hạn hán kéo dài ở miền Trung - Tây Nguyên, đến những trận mưa gây ngập úng nhiều nơi sau những đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc.
Người dân Thủ đô Hà Nội vẫn không thể quên trận mưa lớn năm 2008 và 2013, trạm biến áp (TBA) 220 kV Hà Đông đã bị ngập do mưa lụt, làm hỏng thiết bị và gây mất điện cục bộ nhiều khu vực trong thời gian dài.
Trước tình hình đó, từ năm 2014, Ban lãnh đạo PTC1 đã quyết tâm đầu tư cho công tác cải tạo, sửa chữa lớn phòng chống lụt bão tại trạm Hà Đông; cùng với đó là công tác diễn tập, phòng chống lụt bão cho cán bộ, công nhân đang vận hành tại các trạm điện. Nhờ có sự chuẩn bị tốt nên khi đợt mưa lớn trong đêm 24 - 25/5/2016 diễn ra tại Hà Nội, với lượng mưa trung bình > 400 mm đã gây ngập úng nhiều tuyến phố của Thủ đô, trong đó có TBA 220 kV Hà Đông, nhưng công tác cấp điện vẫn được diễn ra bình thường và hạn chế được thiệt hại về tài sản.
Theo ông Nguyễn Văn Dương - Trạm trưởng Trạm 220 kV Hà Đông, trước tình hình mưa lớn gây ngập nước, cán bộ kíp trực, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của TBA 220 kV Hà Đông đã kịp thời báo cáo lãnh đạo Truyền tải điện (TTĐ) Hà Nội, đồng thời triển khai phương án xử lý chống ngập, bảo đảm an toàn cho người và hệ thống máy móc thiết bị với phương châm 4 tại chỗ.
Lãnh đạo TTĐ Hà Nội cũng đã kịp thời phối hợp với lãnh đạo TBA 220 kV Hà Đông điều động những công nhân tại khu tập thể gần đó cùng ca trực tập trung chặn đóng cổng phai, đắp bao đất, không cho nước từ đường Quang Trung tràn vào trạm.
“Sau khi đã cách ly được nguồn nước, huy động chạy hết công suất của 02 trạm bơm; tổ chức lực lượng tuần tra quanh khu vực tường rào trạm theo dõi tình trạng thoát nước; bố trí lực lượng dọn dẹp rác tại các hố thu nước cho các trạm bơm; bố trí lực lượng trực theo dõi tình trạng mưa và tình trạng vận hành các máy bơm”, ông Dương cho biết.
Thi công kéo dây 220 kV Nghi Sơn - Vinh
|
Mưa lũ vừa đi qua thì những đợt nắng nóng liên tiếp lại kéo đến. Khu vực miền Bắc mà điển hình ở Hà Nội, trong những ngày tháng 6 vừa qua nhiệt độ ngoài trời luôn phổ biến ở mức 38 - 39oC, thậm chí có nơi trên 40oC, một số máy biến áp lên tới trên 43oC, nhưng những người thợ truyền tải vẫn “căng mình” dưới nắng nóng để quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng đường dây nhằm bảo đảm cho lưới điện được vận hành an toàn, truyền tải liên tục.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Lê Phú - Giám đốc PTC1 - chia sẻ: Trong khi rất nhiều người dân Thủ đô Hà Nội tìm đến những nơi có bóng râm như khu vực gần hồ nước, cây xanh hay phòng điều hòa... để tránh nắng thì đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật của công ty chúng tôi vẫn đang phơi mình dưới nắng nóng trên 40oC để kiểm tra, giám sát tình trạng làm việc của các thiết bị truyền tải điện trong các TBA, tuyến đường dây trên lưới truyền tải 220 kV, 500 kV.
Đặc biệt, tại khu vực Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…, phụ tải tăng cao đột biến, các TBA cấp điện cho Thủ đô Hà Nội luôn mang tải ở mức 85 - 90%, một số thiết bị đã ở mức cảnh báo đầy tải, điển hình như máy biến áp T3 của TBA 220kV Thành Công luôn mang tải ở mức 80 - 90%, nhiệt độ trong máy đạt 90oC vào 14 giờ 30 phút ngày 3/6/2016.
Để bảo đảm lưới điện được vận hành an toàn, bằng tất cả sự nỗ lực, tận tâm và trách nhiệm, cán bộ, công nhân viên vận hành đã không quản nắng nóng ngoài trời, luôn bám sát tình hình làm việc của thiết bị, thông tin kịp thời với các cấp điều độ, kiểm soát điều chỉnh mức độ mang tải phù hợp, bảo đảm mức độ vận hành an toàn, tin cậy, cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội cùng các địa phương cũng như sự ổn định hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Thời gian qua những người thợ điện luôn phải làm việc trong thời tiết khắc nghiệt
|
Nâng cao năng lực truyền tải
Trước bối cảnh thời tiết ngày càng khắc nghiệt và luôn có những biến đổi bất thường, một trong những khó khăn lớn của PTC1 hiện nay là nguồn nhân lực so với năm 2015 không tăng, trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng. Bên cạnh đó, khối lượng ĐZ và TBA luôn tăng trưởng trên 10% nhưng công ty vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống truyền tải 500 kV Bắc - Nam vận hành ổn định, cung cấp điện an toàn liên tục.
Trong 6 tháng đầu năm, công ty đạt sản lượng điện truyền tải giao là 29,571 tỷ kWh, bằng 46,7% kế hoạch năm, tăng trưởng 10,1% so với năm 2015. Tỷ lệ tổn thất điện năng lưới 220 kV là 1,25%, thấp hơn kế hoạch giao (1,33%).
Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2016, PTC1 đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban, ưu tiên nguồn vốn thực hiện các công trình sửa chữa thường xuyên để giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy như: Sửa chữa cải tạo tiếp địa đường dây, chế tạo và lắp đặt chống sét đa tia, cải tạo sửa chữa mạch bảo vệ nội bộ MBA, mạch tự động điều chỉnh điện áp của MBA, lắp đặt các kháng bù ngang 22 kV để hạn chế điện áp cao… Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác sửa chữa lớn; theo đó, có 64/191 công trình đã thực hiện xong, 69/191 đang thi công.
Đặc biệt, năm 2016, đối với công tác đầu tư xây dựng, công ty được giao nhiệm vụ quản lý 72 dự án, giá trị thực hiện trong năm là 740,294 tỷ đồng. Hiện nay, đã phê duyệt được 4 dự án đầu tư, khởi công 2 dự án, phê duyệt quyết toán 3 dự án. Trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, công ty sẽ tập trung để đóng điện những dự án trọng điểm như: Nâng công suất trạm 220 kV Vĩnh Yên, trạm 500 kV Quảng Ninh, lắp máy giám sát online cho các MBA và kháng điện 500 kV, hoàn thiện sơ đồ nhất thứ trạm 220 kV Lào Cai, hoàn thành phê duyệt quyết toán 17 dự án...
Các dự án khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao năng lực truyền tải của hệ thống lưới miền Bắc nói riêng và hệ thống truyền tải quốc gia nói chung, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. |