Ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia
|
PV: Thưa ông, một số nhà máy nhiệt điện than hiện đang phải hoạt động cầm chừng do năng lực cấp than của các đối tác. Ông có thể cho biết chi tiết hơn về tầm quan trọng của nguồn điện này trong hệ thống điện nước ta hiện nay?
Ông Vũ Xuân Khu: Nhiệt điện than đã, đang và sẽ tiếp tục giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Tính đến ngày 20/11/2018, tổng công suất đặt của hệ thống điện Quốc gia khoảng 48.700 MW. Trong đó, thủy điện chiếm khoảng 41%, nhiệt điện than khoảng 37%, tuabin khí khoảng 15%, các nguồn khác khoảng 7%.
Về sản lượng điện toàn hệ thống, từ đầu năm đến nay đạt khoảng 195 tỷ kWh. Trong đó, sản lượng của nhiệt điện than là lớn nhất với khoảng 41%, tiếp đó là thủy điện chiếm khoảng 39%, tuabin khí khoảng 19% và các nguồn khác khoảng 2%.
Dự kiến, năm 2019, sản lượng sản xuất từ nhiệt điện than sẽ tiếp tục tăng cao, tới khoảng 114,4 tỷ kWh, chiếm 47,3% sản lượng của toàn hệ thống. Do đó, việc cung cấp đủ nguồn than, cũng như việc vận hành ổn định các nhà máy nhiệt điện than, đóng vai trò rất quan trọng trong việc cân đối nguồn điện năm 2019.
PV: Nhiều hồ thủy điện trên cả nước cũng đang lâm vào tình trạng cạn kiệt. Lưu lượng nước về hồ chứa thấp hơn trung bình nhiều năm và đến thời điểm này nhiều hồ vẫn chưa tích được đầy. Xin ông cho biết điều này có thể ảnh hưởng thế nào đến tình hình cung ứng điện?
Ông Vũ Xuân Khu: Thủy điện cũng là nguồn cung cấp lớn đối với hệ thống điện hiện nay. Tuy nhiên, miền Nam đã kết thúc mùa lũ, miền Trung so với nhiều năm thời điểm này là mùa lũ chính vụ nhưng đến nay rất nhiều hồ chưa có lũ về, thậm chí một số hồ thủy điện đang xấp xỉ mực nước chết.
Tình hình này khiến các hồ thủy điện miền Nam và miền Trung khó có thể tích được đến mực nước dâng bình thường. Tính đến nay, tổng lượng nước đang tích ở các hồ thủy điện khu vực này là 8,5 tỷ m3 nước, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 là 4,2 tỷ m3, tức là hụt khoảng 1/3 so với năm ngoái. Đặc biệt, nhiều hồ đang ở mực nước rất thấp. Dự báo, thủy điện có thể sẽ hụt khoảng 1,2 tỷ kWh so với năm 2017.
Diễn biến thủy văn bất lợi như vậy ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện từ nay đến cuối năm và cho mùa khô năm 2019, ngoài ra còn ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước cho hạ du của các nhà máy thủy điện theo quy trình vận hành liên hồ chứa.
PV: Trong điều kiện khó khăn như vậy, EVN/NLDC sẽ có những giải pháp gì để đảm bảo an ninh năng lượng?
Ông Vũ Xuân Khu: Hệ thống điện đang phải vận hành căng thẳng do các thủy điện miền Nam và miền Trung hoạt động cầm chừng, còn công tác cấp than cho các nhà máy nhiệt điện không hoàn toàn theo mong muốn. Đây là 2 nguồn điện chủ lực nên tình hình khó khăn sẽ ảnh hưởng lớn đến cân đối và cung cấp điện ngay trong thời gian này, cũng như năm 2019.
EVN và NLDC sẽ tăng cường công tác quản lý vận hành các nhà máy điện cũng như hệ thống truyền tải điện để cung cấp điện được hiệu quả nhất. Đồng thời, các đơn vị phân phối điện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Điều đáng lo ngại nhất là hệ thống điện có thể phải chạy các nguồn nhiệt điện dầu có giá thành rất cao, điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện của EVN. Việc cung cấp nước cho hạ du của các hồ thủy điện khu vực miền Trung, miền Nam cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng thiếu hụt lớn lượng nước về các hồ thủy điện.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Trước tình trạng khô hạn, ngày 16/11/2018, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có văn bản số 179/TWPCTT về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2018-2019, trong đó yêu cầu:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện trên các lưu vực sông để phục vụ thủy lợi, bảo đảm cho sản xuất và dân sinh khi hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra.
- Bộ Công Thương chỉ đạo EVN xây dựng phương án vận hành phát điện các nhà máy thủy điện phù hợp, bảo đảm ưu tiên nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp; trường hợp cần thiết đưa một số nhà máy thủy điện ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên ra ngoài thị trường điện cạnh tranh;
- Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc điều tiết nước các hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy điện theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông.
|