Điện lực nhanh, khách hàng lại… đủng đỉnh!
Nằm tại khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), Khu Liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất thuộc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng được coi là một trong những dự án công nghiệp trọng điểm của miền Trung. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, từ tháng 3/2017, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã đầu tư, xây dựng công trình đường dây 110 kV mạch kép cấp điện Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Mặc dù địa bàn thi công rất phức tạp, gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhưng EVNCPC đã huy động tổng lực, dồn sức hoàn thành công trình vào ngày 25/5/2018 theo đúng cam kết với khách hàng (trước ngày 30/5/2018). Đây là tiến độ thi công nhanh nhất, bởi thông thường, để hoàn thiện một dự án quy mô tương tự, EVNCPC cần khoảng 20-24 tháng.
Tuy nhiên, mặc cho những nỗ lực của EVNCPC và các đơn vị thi công, suốt từ thời điểm cấp điện cho Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tới nay, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất vẫn liên tục sử dụng điện non tải, thấp hơn mức cam kết ban đầu, với lý do… nội bộ. Dự kiến, đến tháng 12/2018, tức là, nửa năm sau khi EVNCPC hoàn thành công trình, Công ty này mới có thể sử dụng sản lượng điện theo đúng cam kết.
Khu Liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. (Ảnh minh họa)
|
Theo bà Lê Thị Phương Cẩm - Trưởng Ban Kinh doanh EVNCPC, vốn đầu tư cho công trình cấp điện này là 49 tỷ đồng, do EVNCPC vay vốn thương mại và sử dụng vốn đối ứng của Tổng công ty. Việc khách hàng trì hoãn sử dụng điện hoặc sử dụng điện non tải sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư và kéo dài thời gian thu hồi vốn. Trong trường hợp này, EVNCPC buộc phải áp dụng các điều khoản theo quy định của hợp đồng đầu tư công trình điện, yêu cầu bồi thường thiệt hại từ phía khách hàng sử dụng điện, bù đắp một phần vốn đầu tư cho công trình.
|
|
- Điện thương phẩm 9 tháng năm 2018 của EVNCPC: 13.144 tỷ kWh, tăng 8,42% so với cùng kỳ năm 2017. |
|
|
- Tỷ trọng phụ tải công nghiệp, sản xuất: Chiếm hơn 40% tổng sản lượng điện thương phẩm EVNCPC. |
Thực tế, tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất không phải là trường hợp duy nhất phát sinh vướng mắc trong khâu mua điện. Bà Lê Thị Phương Cẩm cho biết, đối với các khu công nghiệp quy hoạch mới, một số địa phương đề nghị EVNCPC khẩn trương cấp điện. Tuy nhiên, khi Điện lực hoàn thành công trình cấp điện theo yêu cầu, phía khách hàng lại vào hoạt động chậm, dung điện sản lượng thấp, có trường hợp chỉ đạt vài phần trăm so với đăng ký ban đầu. Điều đáng nói, tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư lưới điện, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất - kinh doanh của EVNCPC. Mặc khác, nhiều khách hàng do tâm lý muốn có nguồn điện dự phòng, nên khi đăng ký cấp điện công nghiệp thường có xu hướng thỏa thuận công suất, mức sản lượng điện năng tiêu thụ cao hơn nhiều so với thực tế. Hệ quả là, khách hàng phải điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện, dẫn tới việc EVNCPC luôn bị động trong việc cân đối nguồn và lưới điện tại khu vực.
Tìm giải pháp hợp lý
Trong suốt thời gian qua, Tổng công ty Điện lực miền Trung luôn thực hiện chủ trương ưu tiên cấp điện phục vụ sản xuất - kinh doanh, khẩn trương đáp ứng các yêu cầu tiếp cận điện năng của các khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp. EVNCPC đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất công nghiệp như, huy động vốn, bố trí nguồn nhân lực hợp lý, triển khai cấp điện theo tinh thần khẩn trương, nâng cao độ tin cậy cung ứng điện... Tuy nhiên, những nỗ lực này của EVNCPC chỉ có ý nghĩa khi khách hàng xác định chính xác công suất thực tế cần sử dụng, đồng thời, tiêu thụ điện theo đúng thỏa thuận về tiến độ thời gian, mức sản lượng theo cam kết với EVNCPC và các công ty điện lực.
Trưởng Ban kinh doanh EVNCPC cho biết thêm, để việc tiếp cận điện năng của các doanh nghiệp được nhanh và thuận tiện nhất, Tổng công ty và các công ty điện lực trực thuộc luôn chủ động hỗ trợ, khuyến cáo khách hàng rà soát, cân nhắc kỹ thời gian và công suất sử dụng điện thực tế để việc đầu tư nguồn, lưới điện được đồng bộ, giảm tối đa thời gian chậm sử dụng điện. Đối với trường hợp đầu tư hạ tầng điện trong các khu công nghiệp, EVNCPC cũng có những giải pháp cứng rắn như đề nghị khách hàng ký hợp đồng và nộp thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng đầu tư công trình điện. Theo đó, khi khách hàng chậm sử dụng điện hoặc sử dụng sản lượng điện thấp hơn cam kết trong hợp đồng, EVNCPC sẽ áp dụng các điều khoản phạt theo quy định.
Tuy nhiên, về lâu dài, khi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên rất cần sự phối hợp, thống nhất với EVNCPC về khả năng cung cấp – tiêu thụ điện, từ đó, Tổng công ty sẽ cân đối nguồn, lưới điện phù hợp với tiến độ sử dụng điện trong thực tế. Bên cạnh đó, trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch cấp điện cho các khu công nghiệp, EVNCPC cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần có quy hoạch cụ thể trong việc sử dụng đất để đặt trạm biến áp và hành lang an toàn lưới điện, trong đó vị trí xây dựng các trạm biến áp 110 kV phải nằm ở trung tâm phụ tải, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện cho các khu công nghiệp.