Cung ứng điện ổn định và tin cậy: Thực tiễn từ một số quốc gia trên thế giới

Đảm bảo tính ổn định và nâng cao độ tin cậy cung ứng điện là mục tiêu hàng đầu đối với ngành Điện của bất cứ quốc gia nào.

Hoa Kỳ: Sử dụng thiết bị điện theo đúng quy trình và thời hạn

Một công ty công nghiệp nặng sử dụng robot của Toshiba (có trụ sở tại Hoa Kỳ) từng bị sự cố mất điện khoảng 0,4 giây, gây ngắn mạch đối với các chip và mạch điều khiển của robot. Sau đó, Công ty này phải mất đến 3 tháng lập trình lại cho từng robot, thiệt hại khoảng 0,5 tỷ USD. Ngoài vấn đề về tài chính, độ tin cậy cung cấp điện còn có ý nghĩa quan trọng đối với lực lượng quân đội quản lý các thiết bị vũ khí tinh vi, bệnh viện, trung tâm dữ liệu, các cơ sở nghiên cứu khoa học… Xét về nguyên nhân, bên cạnh những yếu tố chủ quan còn có nhiều yếu tố khách quan tác động không nhỏ đến việc đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện như thời tiết, mưa bão, tai nạn giao thông, xe cơ giới va chạm làm gãy cột điện… phần lớn những yếu tố này nằm ngoài khả năng can thiệp của các công ty điện lực.

Năm 2012, Công ty Điện lực Anaheim (bang California, Hoa Kỳ) không những đạt được chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện cao hơn các công ty điện lực của các thành phố trong khu vực, mà còn vượt tiêu chuẩn cao nhất về độ tin cậy cung cấp điện do Ủy ban Quản lý dịch vụ công ích của tiểu bang Caifornia (CPUC) ban hành. Công ty Điện lực Anaheim cung cấp điện cho thành phố Anaheim với dân số gần 400.000 người, lớn thứ 10 trong tiểu bang California và xếp thứ 56 của Hoa Kỳ. Để đạt được thành công này, các nguồn điện tại Anaheim được cung cấp ổn định và an toàn, lưới điện được quản lý đồng bộ với một hệ thống quản lý hiện đại, các thiết bị trên lưới thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng theo quy trình nghiêm ngặt; kiểm tra và thay thế các linh kiện hư hỏng hoặc xuống cấp trên lưới điện trước khi gây sự cố, thay thế thiết bị điện theo đúng quy định về thời hạn sử dụng của nhà sản xuất.

Ảnh minh họa

Châu Phi: Đầu tư thêm các nhà máy phát điện mới

Độ tin cậy cung cấp điện còn nhiều hạn chế tại một số quốc gia ở Châu Phi là một trong những trở ngại đối với sự phát triển kinh tế của châu lục này. Nguyên nhân là do chiến tranh liên miên tại nhiều quốc gia của “lục địa đen” đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với hạ tầng lưới điện phân phối và truyền tải; kinh phí đầu tư để duy trì và phát triển hạ tầng năng lượng chưa được ưu tiên hàng đầu trong ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các thiết bị hạ tầng lưới điện quốc gia cũng đã quá cũ nát và không được nâng cấp hoặc duy tu, bảo dưỡng kịp thời. Nigeria là một ví dụ điển hình. Lưới điện của quốc gia này chỉ có thể hoạt động cấp điện ở mức 1/3 so với công suất thiết kế, do hầu hết thiết bị đã bị xuống cấp vì không được đầu tư nâng cấp, bảo dưỡng.

Bên cạnh đó, thời tiết bất thường ở Châu Phi cũng là một yếu tố tác động tiêu cực đến độ tin cậy cung cấp điện của các quốc gia. Hạn hán tại vùng Đông Phi năm 1999 - 2000 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà máy thủy điện trong khu vực, trong đó nền kinh tế Kenya chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bị mất điện triền miên. Các nhà máy thủy điện của Ghana phải ngừng hoạt động trong thời gian hạn hán diễn ra. Cameroon phải sử dụng 30 trạm phát điện diesel dự phòng có công suất lớn, tạm thời cấp điện cho các phụ tải quan trọng của chính phủ và quân đội. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng điện tăng quá nhanh tại các quốc gia Châu Phi cũng gây khó khăn đến việc đầu tư cho lưới điện nói chung và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện nói riêng. Công tác điện khí hóa nông thôn chưa được thực hiện rộng rãi cộng với tốc độ tăng dân số quá nhanh đã gây áp lực lớn đối với hệ thống lưới điện của các nước châu Phi.

Để giải quyết vấn đề này, tại các quốc gia có tỷ lệ tổn thất điện năng cao và nhu cầu sử dụng điện lớn, giải pháp tạm thời là đầu tư các tổ máy diesel và bố trí thêm máy phát điện bổ sung. Việc kết nối lưới điện liên quốc gia với mục tiêu chia sẻ điện năng là giải pháp trung hạn nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện giữa các quốc gia ở Châu Phi. Với giải pháp này, nếu một quốc gia thiếu điện do hạn hán hoặc do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể tạm thời mua điện từ lưới điện nước khác, bù đắp vào sự thiếu đó. Tuy nhiên, giải pháp dài hạn vẫn là đầu tư thêm các nhà máy phát điện mới. Trong những năm gần đây, một loạt các nhà máy phát điện điện mới được triển khai tại Châu Phi đã chứng minh đây là giải pháp hiệu quả và căn cơ để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện tại các quốc gia Châu Phi.

 

Ecuador: Nâng cấp hệ thống quản lý lưới điện quốc gia

Công ty Quản lý lưới điện truyền tải Transelectric đã phối hợp với Trung tâm Quản lý Năng lượng Quốc gia Ecuador (CENACE) triển khai Dự án Nâng cấp hệ thống quản lý lưới điện quốc gia, nhằm tối ưu hóa hoạt động của hệ thống phát điện và truyền tải. Từ đó, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện tại quốc gia Nam Mỹ này. Dự án cũng là một phần trong Chương trình kết nối năng lượng liên khu vực giữa ba quốc gia là Ecuador, Peru và Columbia.

Dự án Nâng cấp hệ thống quản lý lưới điện quốc gia của Ecuador có mục tiêu đảm bảo độ an toàn, tin cậy và hiệu quả hoạt động của lưới điện quốc gia. Cụ thể, Transelectric và CENACE nhận được sự hỗ trợ tối đa của đối tác cung cấp phần mềm quản lý lưới điện quốc gia, cũng như hỗ trợ về công tác bảo dưỡng, đảm bảo cho hệ thống hoạt động liên tục và ổn định. Đồng thời, hệ thống cũng sẽ được cập nhật các phiên bản mới nhất có bổ sung công nghệ mới nhất trong quản lý lưới điện. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hệ thống quản lý lưới điện của Ecuador sẽ có hiệu quả hoạt động vượt trội, quản lý được các hệ thống điện ngày càng phức tạp hơn, đồng thời giảm thiểu chi phí vận hành lưới điện và nâng cao mức độ an toàn trong quản lý và vận hành, từ đó, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Viện Nghiên cứu Năng lượng điện Hoa Kỳ ước tính, các công ty phân phối điện tại quốc gia này đã làm thất thoát khoảng 26 tỷ USD/năm do các sự cố mất điện trên lưới phân phối và gây thiệt hại khoảng 100 tỷ USD/năm cho nền kinh tế Hoa Kỳ, đặc biệt là ngành Công nghiệp nặng.

Các chỉ số về độ tin cậy trong cung ứng điện tại thành phố Anaheim (bang California, Hoa Kỳ) năm 2012:

- Tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI): 0,68 lần/khách hàng
- Tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI): 53 phút/khách hàng,
- Tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI): là 0,23 lần/khách hàng

 

 


  • 21/07/2014 10:14
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2981


Gửi nhận xét