Trong bối cảnh các nguồn nguyên liệu truyền thống ngày càng cạn kiệt, năng lượng mặt trời (NLMT) là một trong những lựa chọn “đáng tin cậy” của nhiều quốc gia. Các dự án điện mặt trời với quy mô lớn liên tiếp được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất còn khá cao, nhiều công ty NLMT phải “dựa” vào trợ cấp của nhà nước...
Là quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp sản xuất pin NLMT, CHLB Đức đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Vì vậy, đến năm 2010, CHLB Đức đã tiêu thụ hơn ½ số lượng pin mặt trời trên toàn thế giới. Mỹ cũng áp dụng những chính sách tương tự, trợ giá cho các công ty sản xuất pin mặt trời trong và ngoài nước.
Nhận thấy châu Âu và châu Mỹ là thị trường tiềm năng tiêu thụ pin mặt trời, Trung Quốc cũng áp dụng chính sách hỗ trợ, nhằm đẩy mạnh sản xuất mặt hàng này. Tuy nhiên, khác với các nước phương Tây, Trung Quốc chỉ hỗ trợ cho các công ty NLMT của mình sản xuất, sau đó xuất khẩu, tiếp tục hưởng trợ cấp từ những quốc gia khác. Từ năm 2002 - 2009, khối lượng xuất khẩu pin NLMT của Trung Quốc sang thị trường châu Âu tăng 8 lần.
Một nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Trung Quốc - Ảnh minh họa
|
Phát hiện ra hành động này, tháng 10/2012, đại diện cho 244 công ty NLMT ở của Mỹ, Công ty SolarWorld Mỹ (Hillsboro, Oregon) – Chi nhánh Tập đoàn SolarWorld AG (trụ sở chính tại CHLB Đức) đã đâm đơn kiện các công ty NLMT của Trung Quốc. Ben Santarris - Người phát ngôn của Công ty SolarWorld Mỹ cho rằng: “Chính phủ cần có những biện pháp cứng rắn để khôi phục lại sự cạnh tranh bình đẳng thực sự giữa các thị trường”.
Trước những bằng chứng khó chối cãi, Trung Quốc đã phải chịu thuế chống bán phá giá 250% cho nguyên liệu sản xuất pin mặt trời nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các công ty sản xuất của Trung Quốc lại tìm ra những "kẽ hở" tránh được thuế xuất nhập khẩu của Mỹ, bằng cách liên kết với các đối tác nước ngoài khác để xuất khẩu, trong đó có Đài Loan.
Theo đó, năm 2013, trong khi sản phẩm pin mặt trời từ Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ đã giảm gần 1/3 so với năm 2012, thì từ Đài Loan lại tăng hơn 40%. Tuy nhiên, việc làm này của Trung Quốc đã sớm bị SolarWorld Mỹ phát hiện. Nhiều bằng chứng cho thấy, việc nhập khẩu các tấm pin mặt trời của Trung Quốc với linh phụ kiện của Đài Loan đã gây tổn hại đến ngành công nghiệp điện mặt trời của Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ tiếp tục điều tra các cáo buộc bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm pin mặt trời từ Trung Quốc và sẽ đưa ra kết luận trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Hiệp hội Công nghiệp năng lượng mặt trời (SIEA), đã phản đối yêu cầu của SolarWorld Mỹ và cho rằng, việc này chỉ làm cho mâu thuẫn thương mại trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng hơn. Thay vào đó, họ kêu gọi đàm phán – một chiến thuật đã ngăn chặn thành công cuộc chiến thương mại về năng lượng tái tạo giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Ông Rhone Resch, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp năng lượng mặt trời tại Washington (Mỹ) khẳng định: “Tranh chấp thương mại không thể giải quyết được vấn đề cạnh tranh phức tạp trong nền công nghiệp năng lượng mặt trời đang tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc. Thay vào đó, chúng ta nên giải quyết trong hòa bình”.
Ngày 28/3, Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra những phán quyết sơ bộ đối với cáo buộc trợ cấp và ngày 11/6 sẽ có quyết định về mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp về pin năng lượng mặt trời đối với Trung Quốc.
Đầu tháng 12/2013, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ giá 42,1% đối với sản phẩm pin mặt trời của Trung Quốc, sau khi phát hiện pin mặt trời có xuất xứ từ Trung Quốc được bán tại thị trường EU thấp hơn 88% so với chi phí. Điều này gây thiệt hại tới ngành công nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời của EU, đồng thời đe dọa 25.000 việc làm ở khu vực này. Mức thuế này sẽ kéo dài trong 2 năm.
|