Đa Nhim - Nơi gặp gỡ của tình yêu…

Chúng tôi lên cao nguyên Bảo Lộc, ghé thăm công trình Thủy điện Đa Nhim vào những ngày cuối năm se lạnh. Thiên nhiên hào phóng đã ban tặng cho Bảo Lộc màu xanh trải dài trên mảnh đất phì nhiêu, cùng với núi rừng và những cảnh quan thơ mộng. Có lẽ vì vậy mà con người sống ở đây cũng hết sức chân tình, đặc biệt là những người “di cư” theo tiếng gọi của các công trình thủy điện…

Khi “thủy điện đã hóa tình yêu”…

“Ơi Đa Nhim, nguồn nước về cho mặt hồ xanh biếc… Nước về máy như máu về tim… cho dòng điện không bao giờ tắt…”

Trên cung đường gập ghềnh vào Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, lần đầu tiên tôi được nghe ca khúc “Ơi Đa Nhim dòng điện và bài ca” qua giọng ngâm nga của người kỹ sư trẻ. Tôi chợt hiểu vì sao những cán bộ, kỹ sư, công nhân từ mọi miền đất nước, sẵn sàng xa quê cha, đất tổ, lên với núi rừng, gắn bó với Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Rất đơn giản, bởi với họ, tình yêu thủy điện đã trở thành một phần máu thịt.

Công trình Thủy điện Đa Nhim (nay là Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, thuộc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi) là một trong những công trình thủy điện lớn đầu tiên của nước ta. Trải qua 50 năm thăng trầm của lịch sử, qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, Nhà máy đã thực hiện sứ mệnh đặc biệt quan trọng của mình, không chỉ cung cấp sản lượng lớn, ổn định hằng năm cho hệ thống điện quốc gia, mà còn cung cấp một lượng nước lớn, góp phần đẩy lùi nguy cơ “sa mạc hóa” cho vùng hạ du Ninh Thuận. Có thể nói, suốt 50 năm qua, Đa Nhim đã phát huy tối đa được sứ mệnh lịch sử của mình. Nhưng, đối với những người làm việc tại đây, có một thứ còn quan trọng không kém, đó là tình yêu thủy điện, yêu núi rừng, yêu thiên nhiên… tình yêu níu giữ họ với cao nguyên xa xôi, nhưng đầy ắp tình người này.

Cư xá công ty CP Thủy điện DHD - Ảnh: Vũ Lam

Ông Đỗ Minh Lộc – Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm thuận - Đa Mi (DHD) cho biết, rất nhiều thế hệ những người công nhân, cán bộ, kỹ sư đã “bỏ phố lên rừng” và nguyện “chung thân” với Đa Nhim. Họ đến đây từ mọi miền đất nước và đã trở thành “công dân Đa Nhim” theo đúng nghĩa.

 “Núi rừng, phong cảnh đẹp và hấp dẫn với du khách thôi, chứ điều kiện sống của anh em Nhà máy thì vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả lắm. Bởi sống tập trung ở Cư xá ẩn sâu trong rừng, xa trung tâm, xa quê hương xứ sở, thậm chí nhiều anh em trẻ còn phải xa cả vợ con, người yêu… nên đời sống tinh thần còn thiếu thốn. Nếu không có tình yêu thực sự với nghề, không có sự đam mê cống hiến và tình đồng nghiệp gắn bó, thì họ không thể ở lại với Nhà máy được…” – ông Lộc tâm sự. Cũng chính tình yêu đó đã biến Cư xá của Nhà máy từ những ngôi nhà đơn sơ hun hút trong rừng thẳm, trở thành “tổ ấm lớn” của cán bộ, kỹ sư, công nhân Công ty.

…Cư xá trở thành “gia đình lớn”

Khu cư xá Đa Nhim nằm cách nhà máy khoảng 300 m, cũng có nghĩa là nằm sâu trong vùng núi rừng, xa trung tâm và điều kiện đi lại rất khó khăn. Các cán bộ, kỹ sư, công nhân… đến từ rất nhiều miền quê xa xôi, đa phần là ở các tỉnh miền Trung như: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị. Khoảng 45 cán bộ nhân viên ở đây, tuy mỗi người một quê, nhưng tất cả họ đều có điểm chung là xa gia đình, đi theo “tiếng gọi của những công trình”, rồi lấy vợ và lập nghiệp tại đây. Theo ông Lộc, “hầu hết anh em đều đến từ những miền quê nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì vậy, anh em vừa lo cho vợ con, vừa hỗ trợ thêm cho gia đình, nên việc mua nhà riêng để ở cũng là điều rất khó… Đó cũng chính là lý do khiến Ban Lãnh đạo Công ty DHD đã cố gắng tạo cho anh em một khu cư xá tuy không được to đẹp, nhưng cũng rất đầy đủ và ấm cúng”. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo công ty, anh em công nhân, kỹ sư làm việc ở nhà máy đều rất yên tâm công tác, đoàn kết và gắn bó với nhau như một “gia đình lớn”.

Anh Nguyễn Hữu Điệp – Tổ trưởng Tổ Cơ khí thủy công 2, là một người đã gắn bó ở khu cư xá Nhà máy Thủy điện Đa Nhim cùng vợ và con, tâm sự: “Sau những giờ làm việc bận rộn và mệt mỏi, tôi thật sự thấy thanh thản và nhẹ nhàng khi đặt chân đến ngôi nhà được xem là quê hương thứ 2 của mình ở đây. Mảnh đất này, khu cư xá này đã thực sự cho tôi cảm giác ấm áp, thân thương giữa những người xa xứ vào đây lập nghiệp, làm việc cùng nhau. Khi về cư xá, chúng tôi chia sẻ với nhau từng mẩu chuyện vui, từng cuộc tiệc nhỏ, thậm chí cả những miếng ngon mỗi khi có…”

Tình yêu thương luôn ngập tràn trong mỗi gia đình nhỏ ở cư xá - Ảnh: Vũ Lam

Còn theo anh Trần Văn Ly, Phó quản đốc Phân xưởng Sản xuất Đa Nhim - Sông Pha, một người cũng đã “bén duyên” với Đa Nhim và ở lại cư xá cùng vợ, con, thì “Ở đây, trong căn nhà của mình tại khu cư xá,  tôi thực sự thấy yên tâm. Có nhiều đêm đi làm về mệt, tôi để quên cả xe ở ngoài hiên mà sáng hôm sau vẫn nguyên vẹn… Anh em sống với nhau rất thân tình, trách nhiệm, đó là điều tuyệt vời mà không phải nơi nào cũng có được trong bối cảnh hiện nay”.

Không chỉ có khu cư xá của Thủy điện Đa Nhim, mà ngay tại trụ sở Công ty, cư xá chung của công ty cũng như là một “đại gia đình” quy tụ, anh em của các Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận, Đa Mi… Tuy không phải ở quá sâu trong rừng núi như cư xá Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, nhưng cán bộ, kỹ sư ở đây lại phải đi làm rất xa. Hằng ngày, đi ca từ sáng sớm, chiều tối về cũng mất mấy tiếng đồng hồ, với điều kiện giao thông xa xôi cách trở, là một điều hoàn toàn không dễ dàng… Nhưng bù lại, khu cư xá ở trụ sở Công ty được bố trí đầy đủ các vườn hoa, cây cảnh, sân tập thể thao, khu vui chơi trẻ em… tạo điều kiện tốt nhất cho gia đình các cán bộ nhân viên có thể quây quần, vui vẻ sau những giờ làm việc mệt nhọc. Hơn 150 “căn hộ nhỏ” nơi đây với 150 gia đình nhỏ, vì vậy, đã tạo thành một “gia đình lớn” đầy ắp niềm vui, tiếng cười…Ông Lộc cho biết, ông Nguyễn Trọng Oánh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty, cũng ở chung với anh em trong khu cư xá nhỏ này. Nhưng ông vất vả hơn vì gia đình, vợ con ở xa, nên cứ mỗi cuối tuần lại “khăn gói về thăm nhà”… Đa phần thời gian còn lại, ông Oánh ở khu cư xá, sinh hoạt giản dị và quây quần thân tình cùng anh em trong cư xá “như một gia đình”.

Các thế hệ mầm non của CBCNV cư xá luôn được quan tâm, chăm sóc  - Ảnh: Vũ Lam

Có lẽ chính vì vậy, Cư xá của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim nói riêng, Công ty Cổ phần Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi nói chung, dù cách xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn… nhưng vẫn được mọi người ở đây trìu mến đặt cho một cái tên rất thơ mộng “Nơi gặp gỡ của tình yêu”. Đó là tình yêu giữa người miền xuôi với miền ngược, gặp gỡ và đơm hoa kết trái tại Đa Nhim. Đó là tình yêu giữa anh em bạn bè đồng nghiệp, gắn bó và đoàn kết, đồng cam cộng khổ, trụ lại miền sơn cước. Và trên hết, đó là tình yêu giữa những người làm điện với các công trình, nhà máy thủy điện mà mình đã dâng hiến cả tâm hồn và nhiệt huyết tuổi trẻ…

Năm 2014, Dự án Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng sẽ chính thức khởi công, xây dựng ngay cạnh nhà máy cũ. Công trình với 1 tổ máy công suất thiết kế 80 MW sẽ bổ sung thêm vào hệ thống điện khoảng 99 triệu kWh/năm, tăng khả năng cung ứng điện tại chỗ cho các tỉnh miền Nam. Cư xá của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, vì vậy mà cũng sẽ được mở rộng để đón thêm những “công dân mới”.

Và nơi đây, những tình yêu mới sẽ lại bắt đầu…

“Để có được những khu cư xá đơn sơ nhỏ bé, nhưng vẫn tràn ngập tình yêu, tình đồng nghiệp như vậy, là cả sự nỗ lực lớn của Công ty. Bù lại, anh em có chỗ ăn ở ổn định, tinh thần làm việc cũng tốt hơn, sự gắn kết và cống hiến cũng được nhân lên rất nhiều lần. Tôi nghĩ, đó là điều quan trọng nhất.”
ông Nguyễn Trọng Oánh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc DHD, chia sẻ.

 

Nhà máy Thủy điện Đa Nhim:

- Nằm ở bậc thang trên cùng của hệ thống thủy điện sông Đồng Nai
- Xây dựng từ năm 1962 – 1964, bằng nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản;
- Công suất thiết kế: 160 MW, gồm 4 tổ máy;
- Điện lượng bình quân: Khoảng 1 tỷ kWh/năm;
- Nhà máy cung cấp khoảng 550 triệu mét khối nước/năm phục vụ tưới tiêu cho hơn 20.000 ha đất canh tác của tỉnh Ninh Thuận;
- Dự kiến, quý 1/2014, Nhà máy sẽ được mở rộng thêm 1 tổ máy có công suất 80 MW.
 

 


  • 31/01/2014 02:44
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 4912


Gửi nhận xét