Đảm bảo an toàn điện trong sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, việc sử dụng điện trong nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh những tiện ích thì vẫn còn nhiều trường hợp sử dụng điện mất an toàn dẫn đến sự cố đáng tiếc. Để giảm thiểu tối đa các sự cố và tai nạn điện, Công ty Điện lực Đồng Tháp luôn đẩy mạnh việc hỗ trợ, tuyên truyền sử dụng điện an toàn trong sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Thời gian qua, tại các khu vực nông thôn, người dân tự thực hiện việc giăng mắc điện theo nhu cầu sử dụng, nhiều trường hợp gây mất an toàn. Trong đó, phần lớn các hộ dân chưa có kiến thức chuyên môn, lắp đặt thiết bị điện chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và an toàn theo quy định.

Nhiều trường hợp sử dụng dây dẫn có tiết diện nhỏ, kém chất lượng gây quá tải, tróc vỏ làm chạm chập gây cháy nổ hoặc chạm vào các dây chằng kim loại, vách, mái nhà tôn gây tai nạn điện. Ngoài ra, dây dẫn điện còn giăng mắc lên cây xanh, để dưới đất, dưới nước hoặc giăng mắc lên các cây gỗ mục dễ xảy ra gãy, ngã đổ làm đứt dây cũng là mối nguy hiểm luôn rình rập.

Vào ngày 21/5/2019, anh C. ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Long, huyện Thanh Bình, khi thực hiện sửa chữa môtơ điện nhưng không cắt nguồn điện đến môtơ, để chân chạm trực tiếp vào vỏ mô tơ đang bị rò điện nên gây tai nạn điện giật làm anh C. tử vong.

Để nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng điện an toàn, những năm qua, Công ty Điện lực Đồng Tháp thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền và hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định về an toàn sử dụng điện phía sau điện kế, đồng thời kiến nghị người dân khắc phục các tình trạng mất an toàn nhằm đề phòng xảy ra tai nạn điện.

Qua các nội dung tuyên truyền và hướng dẫn của ngành Điện, ông Lê Phi Hùng (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Long, huyện Thanh Bình) đã thấy được sự cần thiết trong việc lắp đặt hệ thống điện an toàn. Ông Hùng chia sẻ: “Qua sự hướng dẫn của mấy chú Điện lực Thanh Bình, tôi biết được việc kéo dây điện sau điện kế phục vụ cho việc tưới tiêu đảm bảo an toàn là rất thiết thực, đặc biệt là lắp đặt thiết bị chống giật (loại ELCB) sau công tơ hoặc cầu dao điện kế và nối đất an toàn cho thiết bị. Cùng với đó là việc sử dụng dây dẫn điện đúng chủng loại và phù hợp với công suất của thiết bị; dây dẫn phải được đi trên sứ cách điện; các mối nối phải được quấn băng keo cách điện và nối so le nhau. Ngoài ra, trụ đỡ dây điện phía sau điện kế phải chắc chắn, có thể sử dụng cây gỗ khô được xử lý mối mọt và đảm bảo độ cao từ 4m trở lên, đường kính cột 80mm; sử dụng cột bê tông vuông có chiều cao 6,5m. Đối với trụ sắt tráng kẽm phải được nối đất cho từng trụ”.

Tương tự, ông Đinh Thành Công (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Long, huyện Thanh Bình) cho biết: “Nhân viên ngành Điện lực có kiểm tra và hướng dẫn lắp đặt bộ tiếp đất vỏ (môtơ điện) đảm bảo an toàn khi vận hành, bao gồm: Cọc tiếp đất (sử dụng kim loại là sắt hoặc sắt mạ đồng có đường kính 16mm, dài 2.400mm) được chôn sâu dưới đất; dây nối đất (sử dụng dây đồng có tiết diện phù hợp, một đầu dây được bắt vào vỏ mô tơ điện và đầu dây còn lại được bắt vào cọc tiếp đất bằng bulon chắc chắn)”.

Ông Đặng Thành Công – Giám đốc Điện lực Thanh Bình cho biết: “Ngành Điện khuyến cáo người dân khi kéo dây dẫn điện phía sau điện kế phải dùng dây dẫn có tiết diện phù hợp với công suất sử dụng, tối thiểu phải lớn hơn hoặc bằng 2.5mm², dây có vỏ cách điện tốt, mối nối dây dẫn phải được quấn băng keo cách điện, dây dẫn phải đi trên sứ cách điện và mắc lên cột được trồng chắc chắn; chọn mua và sử dụng các mô tơ điện có thương hiệu, chất lượng, tiếp đất an toàn vỏ môtơ điện, thường xuyên kiểm tra để phát hiện, sửa chữa kịp thời các môtơ bị chạm điện ra vỏ nhằm đề phòng các tai nạn điện; lắp đặt thêm cầu dao tự động chống điện giật; phải cắt cầu dao hoặc CB (ngắt điện) khi sửa chữa dây dẫn hoặc mô tơ điện”.

Nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng điện, khi cần hướng dẫn hay nhu cầu về điện, vui lòng liên hệ Điện lực địa phương hoặc số điện thoại 19001006 – 19009000 Trung tâm chăm sóc khách hàng khu vực miền Nam để được giải đáp, hướng dẫn.


  • 26/06/2019 11:16
  • Theo Báo Đồng Tháp
  • 9954