Đảm bảo điện để xây dựng nông thôn mới: Còn nhiều khó khăn

Để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng với các yếu tố hạ tầng khác, điện được xác định là một khâu then chốt. Sau gần 3 năm thực hiện thí điểm (2009 – 2011), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các đơn vị triển khai một cách tích cực, đảm bảo tiêu chí về điện trong các tiêu chí về xây dựng NTM. Tuy nhiên, nếu mở rộng quy mô chương trình, thì ngành Điện sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn…

Những thành quả bước đầu

Giai đoạn 2009 - 2011, chương trình MTQG xây dựng NTM được triển khai thí điểm toàn quốc. Các xã thí điểm mô hình này thực hiện 19 tiêu chí cụ thể, trong đó, có yêu cầu về số hộ sử dụng điện, an toàn, chất lượng điện. Tùy theo tình hình thực tiễn của từng địa phương, số hộ sử dụng điện được quy định cụ thể khác nhau, tuy nhiên, thông thường xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới phải có từ 95 – 99% số hộ sử dụng điện thường xuyên.

Trên thực tế, lưới điện nông thôn nước ta phần lớn được xây dựng từ 20-30 năm trước; các tổ chức quản lý điện nông thôn được thành lập tự phát, chắp vá; nguồn vốn hạn hẹp nên hầu hết không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, trong quá trình vận hành, sử dụng, lưới điện hầu như không được sửa chữa, nên đã xuống cấp trầm trọng. Chất lượng điện không đảm bảo, có nơi điện áp cuối nguồn xuống thấp, tỷ lệ tổn thất điện năng cao, từ 25 – 30%.

Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp của 4000 xã từ tháng 6/2008, EVN đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện, đưa tỷ lệ tổn thất 25,14% năm 2009 xuống 20,91% cuối năm 2010. Tuy nhiên, với những tiêu chí của chương trình xây dựng NTM, ngành Điện đã phải đầu tư, nỗ lực rất nhiều.

Cùng với việc triển khai đồng bộ, và sự nỗ lực không ngừng của các ngành các cấp, trong đó có ngành Điện, sau hơn hai năm thí điểm, chương trình MTQG Xây dựng NTM đã đạt được những kết quả bước đầu tương đối khả quan.

11/11 xã thí điểm chương trình NTM đã đạt tiêu chí về điện. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên tại 11 xã thí điểm bình quân đạt 99,51% (vượt chỉ tiêu quy định 1,51%). Hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện tại 11/11 xã thí điểm đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo theo các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành.

Đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc, chỉ tiêu đặt ra trong chương trình NTM là phải đạt 95% tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên. Tuy nhiên, 2 xã Thanh Chăn (tỉnh Điện Biên) và Tân Thịnh (tỉnh Bắc Giang) đã đạt 100%.

Các vùng khác như: Vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ,  Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long hầu hết đạt từ 98 – 100%.

Lưới điện nông thôn từng bước được cải tạo.   Ảnh: Ngọc Cảnh

Còn đó những khó khăn...

Chương trình thí điểm mô hình Xây dựng NTM giai đoạn 2009 – 2011 với 11 xã trong cả nước được đánh giá đã thành công. Theo lộ trình, đến năm 2015, cả nước có khoảng 20 xã đạt chuẩn NTM, và đến năm 2020 con số này là 50 xã. Đồng thời, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chương trình sẽ được mở rộng trên quy mô toàn quốc, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Để hiện thực hóa được mục tiêu lớn này, cùng với một số khó khăn chung, ngành Điện cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn.

Theo ông Lê  Văn  Chuyển – Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN, để đảm bảo tiêu chí về điện cho việc triển khai thực hiện rộng mô hình NTM, khó khăn lớn nhất hiện tại vẫn là vốn. Theo ông, để tháo gỡ khó khăn này cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ và các Bộ ngành, có thể có cơ chế, hướng dẫn huy động vốn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân, trung ương và địa phương cùng làm”. Đặc biệt, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi trong nước giao cho EVN thực hiện nâng cấp cải tạo lưới điện, nhằm đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất của các xã xây dựng nông thôn mới.

Ông Chuyển cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể để thực hiện chương trình như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tranh thủ  sự đồng thuận của dư luận xã hội, vận động để nhân dân tham gia giải phóng mặt bằng dành cho các công trình điện nông thôn, để người dân sử dụng điện tiết kiệm, an toàn…

Đối với các địa bàn vùng sâu vùng xa, miền núi, để khắc phục điều kiện địa hình phức tạp, dân cư sống không tập trung dẫn đến suất đầu tư cho một hộ từ lưới điện quốc gia quá lớn so mức bình quân chung (có nơi lên đến hàng trăm triệu đồng/hộ), các công ty điện lực cần phối hợp với Ban chỉ đạo các địa phương trong việc quy hoạch khu vực dân cư; hoặc nghiên cứu đầu tư để các hộ dân tại những “vùng lõm” sử dụng các dạng năng lượng mới và năng lượng tái tạo...

Như vậy, để đảm bảo điện cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên diện rộng theo quyết định số 800/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước mà EVN ngoài sự nỗ lực, rất cần sự vào cuộc của các Ban ngành liên quan và sự đồng thuận của toàn xã hội.


  • 19/03/2012 04:30
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 2664


Gửi nhận xét